Kèn saranai là một loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm. Kèn saranai, trống paranưng và trống ghi năng là những nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội. Theo quan niệm của người Chăm, kèn saranai là đại diện cho cái môi, còn paranưng đại diện cho bụng, trống ghi năng là 2 đầu gối. Các nghệ nhân thường ví kèn saranai là phần đầu của bộ ba trống paranưng, kèn saranai, trống ghinăng, bởi tiếng kèn saranai thường mở đầu cho mỗi điệu thức hay chuyển từ điệu này sang điệu khác.
Để hiểu hơn về kèn saranai, chúng tôi tìm gặp anh Thiên Thành Vũ (SN 1990) một trong số ít người chơi được các nhạc cụ truyền thống của người Chăm ở thánh địa này. Anh Vũ cho biết: Anh gắn bó với thánh địa này đã hơn 10 năm nay và giữ gìn văn hóa người Chăm thông qua tiếng kèn phục vụ du khách. Để thổi được kèn saranai, người học phải rất kiên trì, phải biết cách lấy hơi, giữ hơi tốt vì điệu kèn saranai có điểm đặc biệt ở chỗ kéo dài không dứt, phải hết 1 tiết mục mới dừng lại. Bởi vậy, không phải ai muốn học thổi kèn cũng học được. Ngày xưa, mình học mất 2 năm mới có thể thổi được kèn saranai. Ở làng ngày trước, những đứa trẻ muốn học thổi kèn phải chọn một nơi xa làng, vì người Chăm xưa quan niệm, nếu thổi kèn trong làng sẽ mang ma quỷ về làng.
“Đối với người Chăm, điệu kèn saranai truyền thống chỉ thổi trong các lễ hội, không thổi trong sinh hoạt đời thường, tiếng kèn saranai còn là nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh. Kèn saranai không thế thiếu trong bất kỳ lễ hội quan trọng nào của người Chăm như Lễ hội đầu năm của người Chăm như Rija Nưga, Lễ hội Katê, mừng ngày cưới,…”, anh Vũ cho biết thêm.
Kèn saranai cổ của người Chăm trước đây thường được làm bằng ngà voi, sừng trâu… Sau này, các nguyên liệu được thay thế bằng gỗ cây me. Đặc biệt, phải lấy phần lõi gỗ để âm thanh trong và vang đúng điệu. Kèn saranai gồm 3 phần: Phần chuôi làm bằng đồng để thổi, phần thân bằng gỗ và phần loa kèn.
Nhiều năm qua ở vùng thánh địa, tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng, trống ghi năng hòa nhịp với nhau giúp những vũ nữ trình diễn những điệu múa Chăm trên nền nhạc cổ để níu chân du khách, đồng thời quảng bá văn hóa đặc sắc của người Chăm xưa. Đó cũng chính là sự nỗ lực của những người làm công tác quản lý nơi đây. Ngoài bảo tồn những giá trị hiện hữu là những tòa tháp Chăm cổ kính, Ban Quản lý (BQL) Di sản Văn hóa Mỹ Sơn còn tổ chức chương trình múa Chăm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, truyền dạy cách thổi kèn cho các thế hệ trẻ để giữ gìn văn hóa của người Chăm.
Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết: “Chúng tôi còn trực tiếp mời các nhà nghiên cứu cùng một số nghệ nhân ở Ninh Thuận đến Mỹ Sơn phối hợp, tập luyện và lưu giữ di sản múa cổ truyền trong các lễ hội dân gian của người Chăm. Song song với việc bảo tồn các nghi lễ, điệu múa Chăm, chúng tôi còn tạo điều kiện cho người Chăm phục hồi nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phục vụ du khách.