Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tiền và giấy chứng nhận

PV - 09:52, 20/04/2018

Những ngày gần đây, vụ việc Công ty TNHH Vinaca sản xuất “Thuốc chữa ung thư giả làm từ than tre” bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ chưa kịp lắng xuống, dư luận lại càng “sốc” hơn trước thông tin, cuối năm 2017, Công ty này mới được cấp giấy chứng nhận Top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam-2017”.

Cụ thể, Công ty TNHH Vinaca được vinh danh tháng 10/2017. Và với tấm giấy chứng nhận Top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam-2017”, Vinaca như hổ mọc thêm cánh, tiếp tục mở rộng tấm bình phong để lừa đảo bệnh nhân trên cả nước.

Sản phẩm của Vinaca được vinh danh Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017. Sản phẩm của Vinaca được vinh danh Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017.

 

Tuy nhiên, thật may khi tháng 2/2018 vừa qua, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, bắt giữ việc sản xuất thực phẩm chức năng, thuốc trị ung thư giả với khối lượng lớn.

Điều đáng nói, Giấy chứng nhận này được cấp bởi Viện công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí hàng hoá và thương hiệu.

Câu hỏi đặt ra là, tiêu chí nào để các cơ quan đơn vị trên, đặc biệt là Viện Công nghệ chống làm giả cấp giấy chứng nhận cho công ty TNHH Vinaca? Bởi, không lý gì một công ty sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh lừa người tiêu dùng suốt nhiều năm lại dễ dàng được cấp Giấy chứng nhận uy tín đến như vậy? Theo đó, quy trình thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên là một dấu hỏi lớn cần được làm rõ!

Chẳng biết việc thẩm định chất lượng doanh nghiệp của các đơn vị tổ chức diễn ra thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng, để có thể có được giấy chứng nhận Top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam-2017”, Công ty TNHH Vinaca đã phải bỏ ra một khoản tiền… “xã hội hóa”!

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Anh Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng thừa nhận Vinaca có đóng góp nhưng từ chối thông tin cụ thể số tiền vì lý do: Ban tổ chức và Vinaca ký hợp đồng hỗ trợ, trong đó có điều khoản hai bên không được phép tiết lộ số tiền ra ngoài.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, số tiền Công ty TNHH Vinaca chi ra là bao nhiêu thiết nghĩ cũng không còn là điều quá quan trọng. Song có điều quan trọng hơn cả đó là, liệu rằng từ trước đến nay đã có bao nhiêu “doanh nghiệp ma” nhận giải nhờ việc tự nguyện đóng góp kinh phí “xã hội hóa” trong mỗi lần trao chứng nhận?

MẠNH HÀ