Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiềm năng phát triển du lịch từ văn hóa các DTTS

Minh Thu - 09:22, 06/09/2024

Với hơn 25,7% dân số là đồng bào DTTS, bên cạnh lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, tỉnh Lâm Đồng còn có tài nguyên văn hóa các DTTS phong phú, đa dạng, nghệ thuật kiến trúc đặc thù và các lễ hội truyền thống… Đây chính là tiềm năng để Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ du lịch trong những năm tới.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS tỉnh Lâm Đồng đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức.
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS tỉnh Lâm Đồng đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức

Qua những miền di sản văn hóa Nam Tây nguyên

Toàn huyện Lạc Dương hiện có khoảng 10 nhóm biểu diễn âm nhạc cồng chiêng phục vụ du lịch. Những đêm đỏ lửa, trong men rượu cần, nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được lan tỏa đến du khách bằng những bài chiêng, điệu xoang, câu yal yau, tăm pớt...

Phải lấy bản sắc văn hóa đặc trưng, với sự khác biệt để phát huy thành sản phẩm du lịch. Bởi sự hấp dẫn du lịch suy cho cùng là sự hấp dẫn về văn hóa.

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng

Theo chia sẻ của ông Cil Poh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, người con của đồng bào Cơ Ho: “Chúng tôi luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch. Qua đó, mong muốn giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người và văn hóa địa phương đến với du khách trong và ngoài nước”.

Qua tìm hiểu, được biết, để có thể phục vụ khách du lịch, những nghệ sỹ, nghệ nhân biểu diễn âm nhạc, cồng chiêng phải tìm hiểu, học hỏi, tập luyện, nhờ đó, đã góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống. Và, văn hóa đã chắp cánh cho du lịch, giúp đời sống kinh tế - xã hội của người dân phát triển hơn.

Nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng (Ảnh: Báo Lâm Đồng).
Nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Còn ở huyện Đơn Dương, với những đêm có khách hẹn, buôn làng người Chu Ru ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân như rộn ràng hơn. Trước sân nhà truyền thống, nhịp chiêng quyện trong điệu kèn bầu tấu khúc dân vũ Păhgơnăng tưng bừng, mời gọi. Theo Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio, gần đây có nhiều đoàn khách du lịch muốn sống trong miền văn hóa Chu Ru nên đã gọi đặt trước để được trải nghiệm không gian văn hóa trên vùng đất Nam Tây nguyên. Trên cơ sở đó, mình huy động các cháu là học trò các lớp cồng chiêng, dân ca, dân vũ tham gia. Ngoài cơ hội biểu diễn, các cháu có ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc và có thêm nguồn thu nhập.

Ở thôn Diom A, Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio là người đã có công khôi phục, làm sống lại các điệu múa truyền thống của người Chu Ru. Không chỉ có vậy, bà còn thuần thục các điệu chiêng, biết đánh trống, thổi rơkel (kèn bầu). Qua nhiều lớp truyền dạy do bà mở, đã có trên 150 học trò biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chu Ru, biết hát dân ca, biết các điệu dân vũ…

“Mình mong muốn nhiều người biết đến văn hóa dân tộc mình. Nhưng để lan tỏa thì phải nhờ các cấp, các ngành” - bà Ma Bio chia sẻ.

Nối tiếp truyền thống, lớp trẻ Cơ Ho đang gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của ông bà để lại.
Nối tiếp truyền thống, lớp trẻ Cơ Ho đang gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của ông bà để lại

Tạo đột phá trong phát triển du lịch

Nhiều năm trở lại đây, đa phần khách du lịch đến với Lâm Đồng thường quyết định quay trở lại là vì sự cuốn hút từ văn hóa của các DTTS nơi đây. Và, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu. Theo đó, tỉnh đã mở 63 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 1.600 thanh, thiếu niên DTTS; thực hiện kiểm kê và công nhận 17 di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức 15 kỳ lễ hội văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, tôn vinh 100 nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu; phục dựng hàng chục nghi lễ, lễ hội và công nhận 33 làng nghề truyền thống…

Với vốn tài nguyên văn hóa đồ sộ, giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại là việc làm cần thiết với tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng: Phải lấy bản sắc văn hóa đặc trưng, với sự khác biệt để phát huy thành sản phẩm du lịch. Bởi sự hấp dẫn du lịch suy cho cùng là sự hấp dẫn về văn hóa.

Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho ở thôn Đưng K'si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho ở thôn Đưng K'si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, thời gian qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch để kịp thời định hướng phát triển du lịch của từng địa phương. Từ đó, thu hút các dự án, công trình trọng điểm, tạo đột phá trong phát triển du lịch.

Cụ thể hóa điều này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” song cùng với chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề địa phương, giai đoạn 2022 - 2030. Đây là những động thái chủ động của tỉnh Lâm Đồng, thể hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa có lợi thế địa phương gắn với phát triển du lịch; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn kết với các hoạt động du lịch.

Trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có định hướng: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng, du lịch được xác định là ngành phát triển quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” với sức hút là các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.




Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.