Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lần này là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều các đợt tiêm chủng trước nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành; tất cả các lực lượng đều vào cuộc để vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng lần này phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; tất cả điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc xin được sử dụng; tất cả đều được kiểm soát toàn bộ.
Để làm điều này, phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vắc xin về thì sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online.
Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.
Tuy nhiên, do hệ thống y tế cơ sở còn yếu về công nghệ thông tin nên Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin thiết lập nên hệ thống điều hành tiêm chủng online.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn, trên quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó".