Ven theo quốc lộ 279 hướng từ thành phố Sơn La vào trung tâm huyện Mường La, 10 giờ sáng 11/6, dưới cái nóng như “chảo lửa” đặc trưng tại huyện Mường La, nhiệt độ ngoài trời đã gần 37 độ C. Đoạn từ xã Tạ Bú đến nhà máy thủy điện Sơn La, là hình ảnh phía hạ lưu dòng sông Đà của thủy điện Sơn La từng nhiều tàu thuyền qua lại nay đã cạn trơ đáy.
Nếu như trước đây, những khu vực phía hạ lưu của thủy điện Sơn La có mực nước dâng cao hàng chục mét, chỉ có thể di chuyển bằng tàu, thuyền thì nay người dân có thể đi bộ từ bờ bên này, sang bờ bên kia với lòng sông cạn trơ đáy chỉ còn thấy đầy cát, đá, sỏi.
Theo các kỹ sư đang thường trực tại thủy điện Sơn La, kể từ khi thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành, thì đây là lần đầu tiên nhà máy thủy điện Sơn La phải vận hành đến mực nước chết. Mấy ngày qua, các tổ máy của thủy điện Sơn La đã phải tạm ngừng hoạt động để tích nước và luôn thường trực sẵn sàng hoạt động khi có chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia yêu cầu phục vụ cho những trường hợp đặc biệt.
Tại khu vực thượng lưu, nơi hồ thủy điện Sơn La đang tích nước thấy rõ mực nước đã xuống rất thấp. Tại thời điểm 10 giờ 45 phút ngày 10/6, theo thông tin của thủy điện Sơn La, thì mực nước tích trong hồ thủy điện Sơn La cao hơn mực nước chết là 1,02 m (176,02 m). Và mực nước này cũng nhờ có mưa vào ngày 9/6, còn trước đó đều ở mực nước chết.11 giờ ngày 11/6, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Sơn La là 176,32 m.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La, cho biết: Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin về hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện vào cuối năm 2023 và kéo dài sang đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Công ty thủy điện Sơn La đang quản lý hai nhà máy thủy điện lớn, ảnh hưởng đến cung cấp điện và điều tiết nước cho hạ du đồng bằng Bắc bộ, Công ty đang trình cấp có thẩm quyền, xem xét phương án vận hành linh hoạt liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo dự báo khí tượng thủy văn; đề xuất sử dụng một phần dung tích hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng cao hơn mực nước dâng bình thường vào cuối mùa lũ để cấp điện và nước cho hạ du phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất mùa khô năm 2024.
Trao đổi về các giải pháp để góp phần bảo đảm việc vận hành an toàn và hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn nước, ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La, thông tin thêm: Đơn vị đã tiến hành lắp đặt 71 trạm đo mưa trên lưu vực sông Đà; đang triển khai lắp đặt 12 trạm thủy văn và sẽ lắp đặt thêm hai trạm ra đa thời tiết tại huyện Vân Hồ (Sơn La) và Mường Tè (Lai Châu).
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà đã hoàn thiện, đảm bảo giám sát, đánh giá an toàn các công trình thủy điện lớn trên lưu vực sông Đà. Qua đó, ngoài việc dự báo chính xác lượng nước mưa, góp phần quan trọng cảnh báo được mưa lũ để địa phương và người dân phòng tránh còn là thông tin quan trọng để các cấp, các ngành tin tưởng với những đề xuất của Công ty.
Trước đó, để đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, Công ty thủy điện Sơn La đã phải tập trung kiểm tra, bảo dưỡng, đồng thời bố trí thêm người thường trực theo dõi, thu thập số liệu hệ thống thiết bị, phục vụ cho việc đánh giá, phân tích.
Trước những khó khăn chung của các thủy điện trong cả nước, đặc biệt là tình trạng nắng nóng được dự báo là tiếp tục kéo dài, cùng với những nỗ lực của các nhà máy thủy điện trong việc vận hành phục vụ điện năng và nước cho sinh hoạt, sản xuất, thì việc đầu tiên cần làm ngay đó chính là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và mỗi người dân trong việc thay đổi nhận thức trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, góp sức trong ứng phó với tình trạng hạn hán và thiếu nước…