Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thương binh và những câu chuyện thời bình

PV - 09:43, 20/07/2018

“Có vào sinh ra tử cùng nhau mới thấu hiểu được tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng thế nào. Đã nhiều lần gạt nước mắt tiễn bạn chiến đấu về thế giới bên kia nên tôi hiểu lắm. Nay mai nếu chân chưa mỏi, tôi vẫn tiếp tục đi tìm những người thân cho những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc…”. Đó là lời tâm sự của ông Đặng Quang Huynh ở xóm 4, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An khi nói về đồng đội đã hy sinh.

Bài 2: Chuyện Cựu chiến binh tìm người thân cho liệt sĩ

 

liệt sĩ Tháng 7 hằng năm là dịp để người dân cả nước và các Cựu chiến binh thể hiện lòng tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh MH

Thương binh Huynh năm nay đã ngấp nghé tuổi 70 nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Khi nhắc về những người đồng đội chiến đấu ngày xưa ở chiến trường Quảng Trị, giọng ông rưng rưng: “Tôi nợ những người bạn đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị nhiều lắm. Cái nợ lớn nhất đó là tình đời, họ đã anh dũng hy sinh để cho quê hương đất nước được như ngày hôm nay. Vì thế trong suốt mấy năm qua, khi không còn làm cán bộ xã nữa, tôi đã đi khắp các địa phương, qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ để đưa các anh về cùng gia đình”…

Ông Huynh kể, chuyến đầu tiên ông lên đường đi tìm hài cốt các đồng đội, đó là tại chiến trường Quảng Trị năm xưa. Từ Trường Sơn, Cam Lộ, Đường 9 đến Hải Lăng, Vĩnh Linh rồi Khe Sanh, Hải Trường... không thể kể hết những nỗi gian nan, vất vả, nhọc nhằn. Đi đến đâu, ông cũng thấy tên tuổi liệt sĩ quê Nghệ An và ông chụp lại những tấm bia mộ ấy để mang về quê, có cơ hội sẽ tìm đến nhà báo cho thân nhân những người đang nằm lại nơi mảnh đất ông đã đi qua. Sau 2 cuộc hành trình, ông đã có khoảng 700 bức ảnh.

liệt sĩ Ông Đặng Quang Huynh với những bức thư hồi âm của gia đình thân nhân liệt sĩ.

Trở về nhà, ông Huynh in tất cả những tấm ảnh đã chụp được, tính ra tiền phim và tiền in tráng 700 bức ảnh là một khoản kinh phí không nhỏ đối với gia đình một bệnh binh như ông. Nhưng “đã là người lính phải luôn đặt nghĩa tình lên trên hết, không nên so đo, tính toán thiệt hơn, bởi những người lính đã ngã xuống để đổi lại cho quê hương, đất nước được hòa bình, cũng là để mình được sống”. Với suy nghĩ ấy, ông Huynh đã lần theo địa chỉ được ghi trong những tấm bia mộ để tìm đến thân nhân các liệt sĩ, báo cho người nhà biết địa điểm con em, người thân của họ đang yên nghỉ. Ông bắt đầu một hành trình mới, không kém phần vất vả, mệt nhọc với những điểm đến là các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).

Nếu gia đình thân nhân các liệt sĩ ở quá xa, ông viết thư kèm theo địa chỉ ghi trên bia mộ gửi về cho họ. Biết bao nhiêu khó khăn, vất vả trong cuộc hành trình ấy, nhưng ông quyết không bỏ cuộc, vì mình có mệt nhọc nhưng đem đến niềm an ủi, khỏa lấp nỗi đợi chờ, khắc khoải của một gia đình cũng là niềm hạnh phúc. Nghĩ như thế, ông lại thầm lặng và bền bỉ với công việc của mình.

Ông Huynh chia sẻ, mỗi lần đưa đến niềm vui cho các thân nhân liệt sĩ, ông vui và hạnh phúc lắm. Có nhiều gia đình đã tìm đến tận nhà để cảm ơn.

Gặp ông Nguyễn Văn Quảng ở xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu-là thân nhân liệt sĩ đã được ông Huynh giúp đỡ tìm thấy phần mộ người thân. Ông Quảng tâm sự: “Chúng tôi vô cùng biết ơn ông Đặng Quang Huynh, nhờ ông mà gia đình đã tìm được phần mộ của người em trai hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Nếu có nhiều tấm gương như ông Huynh sẽ giúp cho bao nhiêu gia đình tìm được người thân. Bố tôi trước lúc qua đời có ước nguyện duy nhất là tìm được hài cốt con trai. Bây giờ chắc bố tôi đã được yên lòng nơi chín suối. Xin ghi ơn tấm lòng nhân hậu của ông Huynh”.

Không chỉ có ông Quảng mà nhiều thân nhân liệt sĩ đã không quản đường sá xa xôi đến cảm tạ tấm lòng của ông Huynh. Còn nhớ cách đây không lâu, được chứng kiến cảnh gia đình thân nhân liệt sĩ ở huyện miền núi Thanh Chương tay xách, nách mang mấy chục quả trứng cùng con gà tìm đến nhà để cảm ơn ông Huynh mà không khỏi rưng rưng xúc động.

Cho đến hôm nay, sau hơn 10 năm, trực tiếp tìm đến nhà, qua thư từ, nhắn tin truyền hình và bạn bè thân quen, ông Đặng Quang Huynh đã chuyển được khoảng 450 bức ảnh cùng địa chỉ phần mộ về cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Nói về việc làm của ông Đặng Quang Huynh, ông Đặng Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ nhận xét: “Ông Huynh là một đảng viên, là Cựu chiến binh mẫu mực. Việc làm của ông mang tính nhân văn cao cả. Ông đã làm nhịp cầu nối đôi bờ yêu thương, nối cuộc sống thực tại và tâm linh, mang lại niềm vui cho bao người. Hy vọng rằng, trong cuộc sống này có nhiều người như ông Huynh để niềm vui mãi được lan tỏa”…

Ông Huynh là một đảng viên, là Cựu chiến binh mẫu mực. Việc làm của ông mang tính nhân văn cao cả. Ông đã làm nhịp cầu nối đôi bờ yêu thương, nối cuộc sống thực tại và tâm linh, mang lại niềm vui cho bao người. Hy vọng rằng, trong cuộc sống này có nhiều người như ông Huynh để niềm vui mãi được lan tỏa”

(Ông Đặng Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ)

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.