Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thuốc xử lý xoài trái vụ: Lợi bất cập hại

PV - 22:53, 01/04/2018

Thời gian gần đây, xoài trái vụ bán được giá cao nên nhiều người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) không ngần ngại sử dụng thuốc bón gốc và một số loại hóa chất khác để kích thích xoài ra hoa. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường sống xung quanh của người dân.

Cam Lâm là huyện có diện tích xoài lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, ước tính có trên 5.000ha. Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, vụ xoài chính ở đây thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng nhà vườn trồng xoài đã xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể khẳng định diện tích xoài của địa phương dùng thuốc xử lý trái vụ là rất lớn.

Sử dụng thuốc kích thích xoài trái vụ không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đến môi trường. (trong ảnh một vườn xoài ở Cam Lâm) Sử dụng thuốc kích thích xoài trái vụ không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đến môi trường.(trong ảnh một vườn xoài ở Cam Lâm)

 

Thời điểm này đã gần đến vụ xoài chính nhưng khi có mặt ở thị trấn Cam Đức, chúng tôi vẫn thấy người dân dùng thuốc bón gốc để kích xoài ra hoa. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thư, cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Cam Đức cho biết: Trên địa bàn thị trấn hiện có 670ha xoài, do giá bán xoài trái vụ rất cao, có thời điểm hơn 100.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn đã tìm cách xử lý để ép xoài ra trái vụ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc xử lý gốc trong trồng xoài chủ yếu diễn ra vào thời điểm xử lý xoài trái vụ, chứ đúng vụ người dân rất ít sử dụng, hoặc sử dụng không đáng kể, chỉ những vườn xoài bị sâu bệnh mới dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi đó, hiện nay ở xã Cam Hiệp Bắc, người dân chủ yếu sử dụng thuốc Toba Jum hay sử dụng hóa chất điều tiết sinh trưởng Paclobutrazol và một số loại phân bón lá có chứa nhiều lân và kali để xử lý xoài ra hoa trái vụ, với liều lượng khoảng 1kg/8 gốc xoài đường kính 60cm, xoài càng lớn thì liều lượng sử dụng càng nhiều.

Tiếp xúc với một số người dân có dùng thuốc để kích thích xoài ra hoa trái vụ, chúng tôi thấy, nhiều người cho rằng các ngành chức năng không cấm phương pháp này nên vẫn “vô tư” dùng!?

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thư, nhiều hộ dân khi phun thuốc ép xoài ra trái vụ, chính họ không dám sử dụng nước giếng, bởi lo ngại các loại thuốc ngấm vào mạch nước ngầm. “Theo tôi, các loại thuốc này, ít nhiều đều có tác động không tốt đến môi trường. Rõ nhất là vào thời gian xử lý xoài trái vụ, các loại cây ăn quả khác trồng gần cây xoài đang sử dụng thuốc đều có hiện tượng quắn lá, lá nhỏ không phát triển được, quả bị hư, thối…”, ông Thư cho biết thêm.

Ông Trần Văn Bảy, một người dân ở thị trấn Cam Đức bày tỏ: “Vào mỗi dịp Tết, giá xoài tăng cao nên nhiều nông dân đã xử lý để cho xoài ra trái vụ. Từ đó, tình trạng sử dụng các loại thuốc bón gốc ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ảnh hưởng đến mạch nước ngầm mà người dân sử dụng”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết: “Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có nghiên cứu nào về việc mức độ môi trường bị ảnh hưởng do tác động của thuốc bón gốc xoài trái vụ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, bảo vệ môi trường, UBND huyện khuyến cáo người dân phải sử dụng đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, để tăng cường quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2017 đã kiểm tra 24 cơ sở và đã xử lý 4 cơ sở vi phạm”.

Có thể nói, xoài trái vụ đã mang lại một nguồn thu không nhỏ cho người trồng xoài nhưng lại gây bất an đối với những hộ dân khác. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần nhanh chóng xác định mức độ ảnh hưởng của các loại thuốc xử lý xoài trái vụ đối với môi trường, nhất là đối với mạch nước ngầm; ảnh hưởng ra sao đối với sức khỏe của người dân, từ đó có những khuyến cáo cụ thể để người dân yên tâm.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.