Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai thi hành Luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi bộ, ngành địa phương đôn đốc thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ mà kế hoạch và chỉ thị mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Trong 2 năm chờ Luật có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp cũng kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật (1/7/2018).
Báo cáo nghiên cứu kết quả ban đầu về thực thi Luật Tiếp cận thông tin của Tổ chức Oxfam cho thấy: kể từ khi Luật được thông qua, nhiều cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin đã công khai đầu mối cung cấp thông tin, quy chế và quy trình cung cấp thông tin, danh mục thông tin phải công khai... Một số địa phương như Hà Giang, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng... đã ban hành kế hoạch triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn.
Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong cung cấp thông tin, ví dụ Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Cao Bằng đã thành lập ra các ban thông tin để cung cấp thông tin cho người dân. Đồng thời cũng công khai số điện thoại của cán bộ xã trực điện thoại, đặt thêm hòm thư tại nhà văn hóa xã. Khi chưa nhận được phản hồi hay yêu cầu cung cấp thông tin nào từ phía người dân, Trung tâm đã áp dụng thêm phương pháp thẻ ghi điểm cộng đồng, qua đó thu thập được nhiều thắc mắc, phản hồi của người dân, trong đó có nhiều phụ nữ DTTS...
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin vẫn còn một số thách thức nhất định. Cụ thể, một số phòng, ban chuyên môn cấp huyện và cấp xã chưa có trang thông tin điện tử, do đó hạn chế việc công khai thông tin cho người dân. Chưa có đầu mối cung cấp thông tin, quy chế và quy trình cung cấp thông tin, danh mục thông tin bắt buộc phải công khai theo quy định của Luật trên cổng thông tin điện tử và bảng niêm yết của nhiều cơ quan.
Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bà Ngô Thu Hà, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho biết: các cơ quan chỉ đang dừng lại ở việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu, quy định của các luật chuyên ngành đã có trước đây như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, mà chưa thực hiện công khai thông tin theo yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin.
Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên chỉ rõ, điều kiện cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện cung cấp thông tin chưa đồng bộ để phục vụ hoạt động cung cấp thông tin. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nhất định, chưa biết sử dụng các dịch vụ mạng Internet. Do đó, hoạt động cung cấp thông tin qua mạng điện tử tại các địa bàn này sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Nhiều đại biểu đề nghị, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mô hình tổ chức của cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các cơ quan, đơn vị (cụ thể ai sẽ làm cán bộ đầu mối, nhất là ở cấp xã) và các tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này, nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất...
Ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, các bộ, ngành và các cơ quan địa phương rất cần bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cấp cơ sở, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cấp cơ sở tổ chức hội thảo chia sẻ đối thoại với người dân. Và để Luật Tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, các ngành chức năng cần tiếp tục điều chỉnh để Luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn…
THANH HUYỀN