Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề lớn là: Dự thảo Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018; trọng tâm thực hiện nội dung phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc; chỉ số năng suất lao động.
Tập trung cải thiện những chỉ số có thứ hạng thấpNăm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.
Tuy vậy, những cải thiện nói trên về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng.
Đơn cử như chỉ số Khởi sự kinh doanh xếp thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129; Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63; Giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài 400 ngày và xếp thứ 66.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết 19 năm 2017 đặt mục tiêu cắt giảm 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh đã được các bộ rà soát nhưng mới chỉ có 5 bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh (Công Thương, NN&PTNT, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước).
Các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.
“Sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các bộ trưởng là nhân tố quyết định. Việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành… đòi hỏi sự thay đổi cách thức, thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Vì vậy, cộng đồng DN phải chủ động tham gia giám sát, đánh giá và có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này. Ngay trong các bộ cũng phải có cơ chế giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm những vụ việc điển hình để thắt chặt kỷ cương, kỷ luật. Qua đó tạo động lực bên trong, áp lực bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ, mở rộng quy mô thực hiện”, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị.
Về kiểm tra hàng hoá chuyên ngành, báo cáo của Hội đồng cho biết mặc dù đã có một số chuyển biến trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng cải cách còn ít và chậm. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm (ở mức 30-35%), trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra là giảm xuống còn 15% đến 2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết việc chuyển đổi cách kiểm tra hàng hoá chuyên ngành theo phương thức quản lý rủi ro với tỷ lệ là 70% hậu kiểm, 30% tiền kiểm, khắc phục tình trạng có những mặt hàng có 2 đơn vị cùng quản lý trở lên thì sẽ đạt được các mục tiêu về cắt giảm tỷ lệ hàng hoá kiểm tra chuyên ngành như mục tiêu Nghị quyết 19 đặt ra.
Theo phương án được lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất, nếu các bộ ngành sửa đổi 10 nghị định, 28 thông tư, 18 danh mục hàng hoá có 2 cơ quan cùng kiểm tra trở lên thì hoàn toàn có thể giảm được trên 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải nhận thức đúng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Không thể coi việc tháo gỡ, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý do chính các bộ ngành đặt ra là cải cách. Không chỉ tháo gỡ những rào cản cũ mà chúng ta nhất định không được đặt ra những rào cản mới. Nếu không có nhận thức như vậy thì việc tổ chức thực hiện sẽ chậm, không hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Công khai những nơi chưa làm tốt Nghị quyết 19Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 năm 2018 phải được giao cụ thể tới từng bộ ngành, địa phương, đi liền với kiểm tra, đôn đốc.
“Năm nay chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều ở các bộ ngành Trung ương. Câu chuyện ‘trên nóng, dưới chưa nóng’ không chỉ từ Trung ương xuống địa phương mà ở ngay trong một bộ đến cấp cục, cấp chuyên viên, chi cục, thậm chí đơn vị sự nghiệp có liên quan. Kiểm tra, đôn đốc rồi thì cần công khai những bộ ngành, địa phương làm tốt, những nơi làm chưa tốt, không tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bộ ngành cần phối hợp đồng bộ hơn giữa việc thực hiện Nghị quyết 19 với công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… với những nội dung cụ thể, giải quyết đến cùng vướng mắc cho doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2018 đặt mục tiêu cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; Giải quyết tranh chấp hợp đồng thêm 10 bậc; Phá sản doanh nghiệp thêm 10 bậc.
Hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xoá bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến để đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện ở thứ hạng 67). Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).
Các tiêu chí phát triển bền vững phải đo, đếm đượcCho ý kiến đối với hoạt động của Hội đồng về nội dung phát triển bền vững trong năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải đánh giá và tiến tới đo, đếm được từng tiêu chí. “Ngay trong dự thảo Nghị quyết 19 năm 2018 đã đưa vào nhiều chỉ tiêu về phát triển bền vững”.
Trong năm 2018, Hội đồng sẽ đẩy mạnh việc tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Đặc biệt là trong việc ban hành các văn bản về chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam; Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững; Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng Báo cáo quốc gia về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Qua những thảo luận về vấn đề năng suất lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp cận đúng hướng, cần khẩn trương tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo báo về năng suất lao động Việt Nam trình Chính phủ và để cho xã hội hiểu đúng, đầy đủ về vấn đề này. Từ đó xác định những việc cần phải làm nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
THEO CHÍNH PHỦ