Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Thừa Thiên Huế: Bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn được giao

Phương Ngọc - Minh Thu - 17:30, 14/07/2023

Sau 1,5 ngày làm việc, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Các đồng chí Chủ trì kỳ họp.
Chủ trì kỳ họp

Phát biểu bế mạc sáng 14/7/2023, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về hoạt động chỉ đạo điều hành; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2023; kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và một số báo cáo quan trọng khác; xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để thông qua 14 nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành thời gian phù hợp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề mà dư luận và cử tri quan tâm, như: Chất lượng khám chữa bệnh tại các Trung tâm Y tế; việc thực hiện một số dự án chậm tiến độ; công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; giải ngân vốn đầu tư công chậm… Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được lựa chọn là chính xác, phù hợp với thực tế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 14/7, ông Hồ Xuân Trăng - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I; Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Trăng trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Trăng trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp

Trả lời chất vấn của đại biểu và cử tri của tỉnh, đặc biệt là cử tri các huyện, thị xã có đồng bào DTTS, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Trăng cho biết: Trong 2 năm 2022 và 2023, triển khai Chương trình MTQG 1719, bằng nhiều biện pháp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động để chỉ đạo cơ quan chủ chương trình và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện; tổ chức giao ban, nghe báo cáo tiến độ thực hiện và giải ngân hàng tháng tại UBND tỉnh; trực tiếp đi cơ sở (2 huyện phân bổ kinh phí lớn là A Lưới, Nam Đông) để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền...

Là cơ quan thường trực Chương trình MTQG 1719 tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Dân tộc tỉnh đã rất chủ động trong tham mưu, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, kịp thời tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ các văn bản để cơ sở triển khai; thành lập Tổ công tác để hỗ trợ trực tiếp 2 huyện Nam Đông, A Lưới; thường xuyên nắm bắt tình hình và giải đáp khó khăn, vướng mắc từ địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình vẫn còn thấp. Tính đến 30/6/2023, vốn đầu tư phát triển kéo dài từ năm 2022 sang giải ngân được 23.581/62.815 triệu đồng, tỷ lệ 37,5%; vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân được 9.638/120.432 triệu đồng, tỷ lệ 8%; vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 giải ngân được 8,4%.

Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh Kỳ họp

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng: Thực trạng này do nguyên nhân chủ quan: Các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chậm ban hành; chưa ban hành, hoặc tạm dừng thực hiện; một số văn bản của các bộ, ngành được ban hành mới (thay thế văn bản cũ) hoặc đang trong thời gian sửa đổi, bổ sung; văn bản ban hành sửa đổi, bổ sung mâu thuẫn với văn bản cũ. 

Bên cạnh đó, sự chủ động nghiên cứu văn bản, tổ chức triển khai các văn bản của cơ quan Chủ trì chương trình, chủ dự án, chủ tiểu dự án còn chậm, lúng túng; chưa khẩn trương trong việc tham mưu cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để thực hiện tại địa phương; một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đối với một số dự án, tiểu dự án đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn; còn tình trạng cán bộ tham mưu thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu văn bản, dẫn đến việc thụ động, ngồi chờ. Một số dự án phải điều chỉnh quy mô, khảo sát vị trí mới nên chưa triển khai thực hiện được; một số dự án, tiểu dự án kinh phí được giao lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế của địa phương.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã đưa ra các giải pháp để thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới: Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng ban hành hoặc đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành hệ thống văn bản quy định thống nhất, đồng bộ đối với quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện Chương trình theo đúng quy định; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn; bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao (bao gồm cả dự toán năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến 31/12/2023 và dự toán năm 2023) trong năm 2023. 

Chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; cam kết giải ngân; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2023. Trong đó, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, ngành lĩnh vực và trong tổ chức triển khai các chương trình năm 2023.

Trong thời gian tới, khi các văn bản của các bộ, ngành được ban hành hoàn thiện, UBND tỉnh sẽ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn được giao.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.