Gỡ điểm nghẽn về chương trình giảng dạy
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền. Tuy việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó việc ban hành Chương trình các môn học tự chọn tiếng DTTS, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và cấp THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, hiện nay, các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp.
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Lý Thị Hồng Ngự - Trường PTDT Nội trú tỉnh Trà Vinh cho biết: Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên các em học sinh thi kỳ thi THPT quốc gia sau khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên hiện nay có 3 bộ sách giáo khoa được triển khai, nhưng đề thi thì là đề chung cho cả 3 bộ sách, vì vậy Bộ GD&ĐT cần có những đề cương định hướng cụ thể để cho giáo viên chủ động hướng dẫn cho học sinh.
Cần đồng bộ về cơ chế, chính sách
Qua thực tế có thể nhận thấy còn nhiều bất cập trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Ngoài bất cập về sách giáo khoa mới, để khắc phục vướng mắc và triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, cần bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...
Đặc biệt hiện nay chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý) và hoạt động giáo dục mới (hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo chương trình đổi mới giáo dục.
Nguyên nhân là do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, còn giảng dạy các môn tổ hợp theo Chương trình GDPT 2018 thì chưa được đào tạo chính quy. Mặc dù được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy các môn tích hợp.
Ngoài ra, số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... đặc biệt nhất là thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học cấp tiểu học, còn cấp THCS thì chưa có giáo viên chuyên bộ môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) gây khó khăn trong việc triển khai dạy học chương trình mới.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, ngành Giáo dục cần có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài ra, kiến nghị Bộ GD&ĐT, tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các Modun 6, 7, 8 để địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Theo bà Lưu Thị Hiên - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai: Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới có hiệu quả, cần xem xét chỉ đạo cung ứng sách giáo khoa cho giáo viên nghiên cứu lựa chọn và cho học sinh học kịp thời; đề xuất nguồn kinh phí đầu tư thiết bị giáo dục đảm bảo việc dạy học chất lượng, hiệu quả. Sớm có Đề án về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh Đại học cho đối tượng là học sinh hiện đang học Chương trình GDPT 2018 để các trường THPT có căn cứ định hướng ôn luyện thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Đối với các môn học mới, môn học tích hợp đề nghị có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho giáo viên dạy chuyên sâu; xem xét đánh giá tính phù hợp, tính khả thi của một số môn tích hợp khối THCS, môn học âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc khối THPT để điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù các địa phương vùng cao, vùng khó khăn, đồng bào DTTS. Sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành một số cơ chế, chính sách để kịp thời giải quyết các vấn lớn mà thực tiễn đang đặt ra.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ GD&ĐT về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, mục tiêu quan trọng nhất là đạt được chuẩn đầu ra về phát triển con người, năng lực, phẩm chất của học sinh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng để việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đạt kết quả. Tuy nhiên, đây là hai vướng mắc lớn đã tồn tại trong thời gian dài. Vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cần có chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự án để cải thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục.
Từ thực tế, để khắc phục vướng mắc và triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 cần phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy đảng, các ngành, các nhà khoa học và của toàn xã hội. Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh những bất cập trong quá trình giảng dạy, việc tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.