Hỗ trợ sai đối tượngThực hiện Quyết định 87 ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh về “Một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, UBND huyện Con Cuông đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch và các xã hướng dẫn người dân đăng ký, hoàn chỉnh hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền xét duyệt để nhận tiền hỗ trợ.
Theo đó, năm 2016-2017, người dân được hỗ trợ tưới cây công nghiệp (chè, cà phê, mía); cây ăn quả (cam, dứa) và cỏ trồng tập trung. Cụ thể, người dân được hỗ trợ 40% giá trị công trình có quy mô 1ha trở lên như: Giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động, ống tưới PVC hoặc ống cao su.
Tại xã Chi Khê, theo danh sách phê duyệt, năm 2016, toàn xã có 9 hộ, năm 2017 có 14 hộ được nhận tiền hỗ trợ từ chương trình này, mức tiền là 10 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ trình cấp trên xem xét, thì nhiều hộ dân nằm trong diện được hỗ trợ lại không được nhận tiền.
Ông V.V. H (xin dấu tên) ở thôn Quyết Tiến bức xúc: Trong quá trình lập hồ sơ, cán bộ thôn thực hiện không khách quan. Nhiều gia đình đủ điều kiện để hỗ trợ, thì không được đưa vào danh sách còn nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện thì được nhận tiền hỗ trợ thậm chí có những hộ nhận được cùng lúc hai suất hỗ trợ. Đơn cử như, gia đình Nguyễn Văn Bình và vợ là bà Nguyễn Thị Tân (người nhà của bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã) lại được “ưu ái” nhận 2 lần tiền hỗ trợ cho cùng 1 giếng nước.
Ngoài ra, hộ gia đình gồm ông Nguyễn Văn Kế và anh Nguyễn Bình Minh (ông Kế và anh Minh là 2 cha con trong cùng một hộ gia đình, chưa tách hộ khẩu và hiện tại anh Minh chưa lập gia đình) được hỗ trợ 2 giếng nước, với số tiền 20 triệu đồng.
Không riêng ở thôn Quyết Tiến, trên địa bàn xã Chi Khê còn bộc lộ nhiều “khuất tất”, thiếu minh bạch. Đó là tình trạng bớt xén số tiền của các hộ dân từ chính sách này. Cụ thể, khi quyết toán hồ sơ, chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nông dân, cán bộ chuyên môn huyện, xã đã “khấu trừ” chi phí để hoàn thiện thủ tục cũng như kinh phí đi lại… dẫn đến số tiền mà các hộ dân được hưởng bị cắt giảm từ 1,5-2 triệu đồng.
“Xã, huyện đã nhận sai”Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: Những phản ánh trên từ người dân đã được xã tiếp nhận, giải quyết. Bà Thắng cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân theo Quyết định 87/2014 của UBND còn phát sinh những bất cập, tồn tại.
Theo bà Thắng thì, quy định diện tích hộ nông dân được hưởng hỗ trợ tưới nước cây trồng cạn phải đảm bảo yêu cầu là diện tích trồng cây có múi, đồng thời diện tích tối thiểu là 1ha. Tuy nhiên, trên địa bàn khó có hộ nào đạt tiêu chí này nên xã đã vận dụng vào thực tế địa phương để đảm bảo quy định. Còn việc dân đóng 1 triệu đồng để xã mua hoá đơn 10%, thực chất là lập khống để hợp thức hóa hóa đơn khi người dân thuê khoan giếng và mua các thiết bị đi kèm. Vì thực ra người dân không biết nên phải nhờ xã trực tiếp làm các thủ tục.
Bà Phan Thị Thanh Việt, cán bộ địa chính xã người trực tiếp hoàn thiện thủ tục cũng thừa nhận, “có việc người dân trích lại 1,5 triệu đồng bao gồm 1 triệu đồng tiền mua hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), còn 500.000 đồng còn lại là người dân thống nhất sau khi chi trả để cán bộ huyện đi giao dịch, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục ở tỉnh. Người dân thực nhận là 8,5 triệu đồng, tuy nhiên, trong hồ sơ quyết toán nhận tiền thì các hộ dân vẫn phải ký nhận đủ 10 triệu đồng”.
Liên quan đến thông tin cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông có thu 500.000 đồng/hộ để lo thủ tục, giấy tờ giao dịch, ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, ông Lê Hồng Nam, chuyên viên Phòng đã thừa nhận là người được Phòng giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch và xã Chi Khê thẩm định hồ sơ và có thu “phí” các hộ dân.
“Tôi có nhận của mỗi hộ dân được hỗ trợ giếng tưới cây để chi vào các việc giao dịch tại huyện cũng như chi phí cùng các cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT, Sở Tài chính trong việc xét duyệt, quyết toán.…”, ông Nam giải thích.
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ông Vi Văn Sơn cho biết: Huyện đã nắm được những việc làm sai của cán bộ trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân ở xã Chi Khê. Huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ vấn đề này. Quan điểm của UBND huyện là ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý kỷ luật tùy mức độ để trả lại sự công bằng và tạo nên sự đồng thuận của người dân.
Minh Thứ- Xuân Thống