Mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản (VSLA) đã hỗ trợ hiệu quả phụ nữ và gia đình trong các hoạt động phát triển sinh kế, góp phần bảo đảm an ninh tài chính của hộ gia đình, các đơn vị thực hiện dự án, đại diện đồng bào DTTS Cơ Ho ở tỉnh Lâm Đồng và Bru Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị cho biết tại buổi tổng kết dự án diễn ra chiều 17/10 ở Hà Nội.
Chị K’Luyen - người dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng, cho biết, nhóm VSLA của chị chủ yếu huy động tiền tiết kiệm và cho thành viên vay để hỗ trợ trồng cà phê, hồ tiêu, trồng dâu nuôi tằm, như mua xăng dầu, phục vụ tưới tiêu…
Chị Hồ Thị Nhớ - người dân tộc Bru Vân Kiều ở Quảng Trị, chia sẻ: “Chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, trong đó có vay vốn phục vụ tiêu dùng như mua sách vở, nộp học phí cho con; hỗ trợ sinh kế quy mô nhỏ như mua bò, trâu, dê để nuôi hoặc trồng tràm, sắn, lúa nước…”.
Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ DTTS” do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tập đoàn P&G phối hợp thực hiện trong 4 năm từ 2018, đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho hơn 11.000 phụ nữ DTTS ở 18 tỉnh thành trên toàn quốc.
Hai năm đầu, dự án đã thành lập được 260 nhóm cổ phần tài chính tự quản, trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ DTTS ở nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn, vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều thành viên VSLA cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn, đầu tư tốt hơn cho việc học hành của con cái và các hoạt động tạo ra thu nhập khác.
Giai đoạn thứ hai của Dự án, từ tháng 12/2020 tới hết tháng 12/2021, đã thành lập được 287 nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản với 4.185 phụ nữ tham gia ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh… Đã huy động được 9,35 tỷ đồng tiết kiệm và cho 2.427 lượt thành viên vay vốn làm kinh tế ở quy mô hộ gia đình. Trong nửa đầu năm 2022, có 269 nhóm với 4.058 phụ nữ tham gia, huy động 5,62 tỷ đồng tiết kiệm và cho 1.416 lượt thành viên vay vốn.
Bà Lê Kim Dung - Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, nói: “Mô hình VSLA được coi là xuất phát điểm để giúp thành viên các tổ nhóm gắn kết, và tiếp cận các hình thức dịch vụ tài chính khác và là một phần trong hệ sinh thái tài chính bao trùm, trong đó ai cũng có quyền tham gia và tiếp cận dịch vụ tài chính”.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Hương Giang - Ủy viên Đoàn Chủ tịch ‐ Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đánh giá mô hình này rất phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của phụ nữ DTTS, giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm, tự quản và cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau những lúc khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý dự án của CARE Quốc tế tại Việt Nam, cho biết, định hướng tiếp theo của Dự án là hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, hướng tới xây dựng tổ chức kinh tế do phụ nữ lãnh đạo như tổ hợp tác, hợp tác xã…
Mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “3 tự”: Tự nguyện tham gia, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm, thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với mọi thành viên.