Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy khởi nghiệp ở miền núi Quảng Nam

T.Nhân-H.Trường - 06:43, 29/03/2024

Quảng Nam có 9 huyện miền núi là nơi sinh sống chủ yếu đồng bào DTTS. Khu vực này địa hình, thổ nhưõng, khí hậu...thường khó khăn, khắc nghiệt nên vấn đề sinh kế đối với người dân luôn là vấn đề quan tâm, trăn trở của các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, khơi dậy ý chí thoát nghèo, hỗ trợ thúc đẩy xây dựng các mô hình khởi sự, khời nghiệp từ những sản vật của quê hương...là giải pháp đang được thực hiện và nhân rộng hiệu quả trong Nhân dân.

Ngày càng có nhiều sản phẩm khởi nghiệp ở miền núi Quảng nam đến tay người tiêu dùng
Ngày càng có nhiều sản phẩm khởi nghiệp ở miền núi Quảng Nam đến tay người tiêu dùng

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam có nhiều chính sách, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân, thanh niên địa phương các huyện miền núi khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu trên quê hương. Nhiều dự án sáng tạo tại huyện miền núi Quảng Nam đã mang lại hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái.

Huyện Đông Giang hiện có hơn 15 sản phẩm, trong đó có sản phẩm đạt OCOP 4 sao là chè dây Ra Zéh; 5 sản phẩm đạt 3 sao: chè dây hoa hồng, trà xanh Quyết Thắng, rượu tà vạc Đông Giang, mâm mây Bhơ Hôồng, túi xách thổ cẩm. Huyện dự kiến đến năm 2025 có khoảng 25 sản phẩm OCOP và phát triển từ 1- 2 điểm bán hàng OCOP gắn với các dự án du lịch của huyện.

Điều đáng mừng là, hầu hết những sản phẩm khởi nghiệp đều hướng đến khai thác thế mạnh tài nguyên bản địa và phát huy tối đa tri thức bản địa trong từng sản phẩm, xem đó là lợi thế so sánh để phát triển.

Anh Hà Văn Hưng, một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công từ sản phẩm cây chè dây trên vùng đất Đông Giang. Anh chia sẻ: Trong một lần tình cờ, anh được mời uống loại nước được nấu từ một loái lá cây rừng và bất ngờ với hương thơm nhẹ, vị chát và một chút ngọt về sau, rất ngon. Hỏi ra, được biết, đây là cây chè dây, tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt rất hiệu quả với bệnh dạ dày, an thần, giúp ngủ ngon... "Từ đấy, tôi uống nước chè dây hàng ngày, điều bất ngờ là đến nay, bệnh dạ dày của tôi đã giảm. Do vậy, ý tưởng chế biến sản phẩm này bán ra thị trường cũng bắt nguồn từ đây".

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH, chuyên sản xuất sản phẩm trà chè dây được anh Hưng thành lập vào háng 5/2020, đến nay đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện, Công ty OCH sản xuất và bán ra thị trường trung bình khoảng 1 - 2 tấn khô mỗi tháng, với các mặt hàng chủ yếu từ trà để phục vụ khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

Anh Hà Văn Hưng với sản phẩm chè giây có tác dụng tốt cho sức khoẻ
Anh Hà Văn Hưng với sản phẩm chè giây có tác dụng tốt cho sức khoẻ

Với mong muốn phát huy cao nhất giá trị của cây chè dây; đáp lại sự tin tưởng của mọi người, anh Hưng phát triển theo phương châm sản xuất sạch, an toàn, không sử dụng hóa chất. Nhờ điều này, những sản phẩm của Công ty OCH luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng. 

“Không chỉ tạo dựng được cơ nghiệp cho bản thân, tôi còn mong muốn tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho chính người dân địa phương, giúp họ bám đất bám rừng, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, tôi cũng muốn người dân khắp nơi trong cả nước biết đến chè dây và những công dụng tuyệt vời của loại cây này, mang đến một sản phẩm thực sự sạch, hiệu quả đối với sức khỏe cho người dùng”, anh Hưng tâm sự.

Tại huyện miền núi Tây Giang cũng có nhiều mô hình khỏi nghiệp thành công. Như mô hình Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh, rau sạch” ở xã vùng cao biên giới Ga Ry, huyện miền núi Tây Giang, do cô gái trẻ người Cơ Tu Koor Thị Nghệ, làm Giám đốc. Cứ đôi ba ngày, một chuyến xe chở đầy nông sản của Hợp tác xã lại xuôi về phố.

 Koor Thị Nghệ cho biết: Những chuyến xe chở hàng xuống phố là những sản vật từ núi rừng như măng, lá đẳng sâm, cam, chuối, tiêu rừng, mật ong và nhiều loại rau củ sạch…  được người tiêu dùng ưa chuộng.

Koor Thị Nghệ chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên nơi rẻo cao biên giới Ating, xã Ga Ry. Chị từng chứng kiến cảnh bà con phải đổ bỏ nông sản vì không có nơi tiêu thụ, trong khi thành phố luôn “khát” rau củ sạch. 

Năm 2021, được bạn bè và chính quyền địa phương hỗ trợ, Koor Thị Nghệ đứng ra thành lập Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh rau sạch” thu mua, chế biến nông sản vùng cao, đồng thời kết nối đưa sản vật xuống phố. Từ 12 xã viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã thu hút 22 thành viên tham gia.

Những sản phẩm đặc trưng của miền núi được nhiều người tiêu dung ưa chuộng
Những sản phẩm đặc trưng của miền núi được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Sau hơn 2 năm hoạt động, Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh rau sạch” đã trở thành “bà đỡ” giúp đồng bào 4 xã vùng cao Tr’hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry của huyện Tây Giang tiêu thụ nông sản. 

“Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất đủ dùng trong gia đình nếu dư thì vứt bỏ nên không bao giờ giảm nghèo được. Vì thế, tôi thành lập Hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giúp họ phát triển kinh tế, có đồng ra, đồng vào. Sắp tới tôi dự định trồng vùng nguyên liệu A So làm cơ sở để phát triển sản phẩm OCOP; trồng chuối làm mô hình mẫu cho huyện Tây Giang, thêm vùng nguyên liệu măng nữa… Tôi có ý tưởng sẽ phát triển du lịch sinh thái gắn với nông sản”, Koor Thị Nghệ bộc bạch.

Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, là một trong những địa phương đi đầu về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nổi bật tại địa phương có sản phẩm nấm lim xanh của Hợp tác xã nấm lim xanh Trà Bốc. Anh Phạm Mạnh Cường, thành viên Hợp tác xã cho biết: Lim xanh vốn là cây bản địa. Việc trồng nấm lim xanh chúng tôi kết hợp với vấn đề bảo vệ môi trường. Chúng tôi đang vận động bà con trồng cây lim xanh tại huyện. Thứ nhất để lấy cành, nhánh sau đó sản xuất ra cây nấm lim xanh. Kết hợp với đó là tương lai sẽ lấy gỗ lim chống sói mòn, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nấm lim xanh rất tốt cho sức khoẻ nên được nhiều người đặt mua. Vì thế, chúng tôi luôn có đầu ra ổn định.

Có thể nói, phong trào khởi nghiệp ở miền núi Quảng Nam có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, các mô hình khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn về vốn, đầu ra, ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tùy theo mỗi mô hình khởi nghiệp trong mỗi giai đoạn. Những hỗ trợ đó đồng hành cùng người khởi nghiệp 3 nội dung lớn. Thứ nhất, là đào tạo nâng cao kiến thức. Thứ 2, hỗ trợ đăng ký bảo hộ những giá trị sản phẩm đặc trưng tài sản trí tuệ. Thứ 3, là hỗ trợ kết nối thương mại.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ và trải đều trên các địa phương. Đặc biệt là, phong trào khởi nghiệp ở miền núi đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng miền núi đến tay người tiêu dùng, giúp người dân có thêm thu nhập.

 "Chủ trương của tỉnh sẽ tạo điều kiện để những mô hình khởi nghiệp được nhân rộng và ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.