PV: Thưa ông, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả cụ thể gì?
Ông Hồ Xuân Trăng: Chương trình MTQG 1719 nhận được sự kỳ vọng rất lớn của các ngành, các cấp, đặc biệt là của người dân vùng đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế. Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan Thường trực Chương trình MTQG 1719 tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tập trung đề ra các giải pháp chỉ đạo, triển khai Chương trình hiệu quả và đúng tiến độ.
Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan tổ chức các phiên họp Văn phòng điều phối chương trình MTQG 1719 để chuẩn bị nội dung, nhiệm vụ triển khai các Dự án, Tiểu dự án thành phần. Tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Chương trình ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, thành lập các tổ công tác để trực tiếp phổ biến, nắm tình hình và hướng dẫn các địa phương về công tác lập kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình. Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm, tham mưu triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã đề ra.
Mới đây nhất, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định định mức đất sản xuất để thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất theo Quyết định số 1719; Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG 1719.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình cho cán bộ ở các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, tìm hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện Chương trình.Hội nghị xác định các chỉ số giám sát đánh giá thực hiện Chương trình, phục vụ công tác thống kê các chỉ số của cấp huyện và cấp tỉnh, giúp quá trình giám sát, đánh giá sát với thực tế, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó có những giải pháp tác động vào các dự án có liên quan từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh.
PV: Ông có đánh giá thế nào về sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay góp sức của đồng bào các DTTS trên địa bàn trong tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua?
Ông Hồ Xuân Trăng: Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đạt được những kết quả đó, không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh. Đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm, luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao của tập thể Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế và cơ quan công tác dân tộc ở các cấp; sự cố gắng của chính quyền cơ sở trong việc phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc nói chung, Chương trình MTQG 1719 nói riêng. Cùng với đó, là sự đồng thuận, chung tay góp sức của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên, chú trọng công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719; kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch để chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình. Thường xuyên, sâu sát với địa phương, cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS các huyện: A Lưới và Nam Đông để chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Chương trình.
UBND tỉnh thường xuyên, sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện, lồng ghép nguồn lực các Chương trình MTQG để bảo đảm hiệu quả, tối ưu nhất trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ đó, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS; nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Có thể thấy rằng, Đảng bộ, Chính quyền và các đoàn thể Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chỉ đạo thực hiện tốt công tác triển khai thực hiện Chương trình; đã và đang phát huy tốt tiềm năng thế mạnh từng vùng gắn với lồng ghép các chương trình dự án. Từ đó, tạo cơ hội tốt cho đồng bào DTTS phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác dân tộc và triển khai chính sách dân tộc; một số hợp phần thực hiện Chương trình MTQG 1719 thực hiện chưa tốt.
PV: Hiện nay, sau gần nửa chặng đường triển khai Chương trình MTQG 1719, tại nhiều địa phương đã bộc lộ một số bất cập, cần tháo gỡ. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, những bất cập đó là gì? Tỉnh có kiến nghị gì với Ban Chỉ đạo Trung ương để Chương trình MTQG 1719 đạt yêu cầu đề ra trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Trăng: Sau gần nửa chặng đường triển khai Chương trình MTQG 1719, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ Trung ương đến địa phương cần được tháo gỡ kịp thời để bảo đảm giải ngân đúng tiến độ. Cụ thể: Chưa triển khai được nguồn đầu tư phát triển thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Bởi hiện nay chưa có hướng dẫn cơ chế đặc thù trong sử dụng vốn đầu tư phát triển thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình (Đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP).
Tỉnh cũng chưa triển khai được Tiểu dự án 1 (Dự án 9) về hỗ trợ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế hỗ trợ có thu hồi vốn qua kênh ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội (hiện, Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-UBDT). Chưa triển khai được nội dung thực hiện đối với nội dung hỗ trợ, thiết lập các điểm truy cập ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 10) do Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành Thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Các Dự án xây dựng Làng văn hoá các DTTS thuộc Dự án 6 phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, vì vậy đến nay vẫn chưa triển khai được. Tiểu dự án 1, Dự án 3 về phát triển nông lâm nghiệp bền vững có nhiều nội dung hoạt động không phù hợp với địa phương
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG 1719 sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý, thực hiện các Chương trình MTQG. Tham mưu ban hành các Thông tư sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể để các địa phương có căn cứ triển khai. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!