Do ảnh hưởng của thời tiết, khu vực biển Thuận An (phường Thuận An, thành phố Huế) tiếp tục bị sạt lở vào sáng ngày 25/10 với chiều dài khoảng 50m, chiều sâu 5m. Để khẩn trương khắc phục, trong ngày 25 và ngày 26/10, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng và Nhân dân địa phương tổ chức đóng hơn 3.000 bao cát gia cố khu vực bị sạt lở.
Trước đó, từ ngày 21 đến ngày 23/10, khu vực bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở có chiều dài khoảng 550m. Trong đó, tại bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) sạt lở 300m, bờ biển phường Thuận An (thành phố Huế) sạt lở 250m, ăn sâu vào đất liền từ 50 - 100m. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các lực lượng đã gia cố hơn 2.500m2 vải lọc cùng 600m3 đá khắc phục các điểm sạt lở.
Đặc biệt, trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão số 6, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ dân với 52.186 khẩu để ứng phó bão. Toàn bộ 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động của địa phương đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi, hướng dẫn và hỗ trợ vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn; có 20 phương tiện tàu hàng hải với 166 lao động, 1.999 tấn hàng đang neo đậu tại cảng Thuận An (thành phố Huế) và cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc).
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ, cập nhật các diễn biến của bão; hướng dẫn người dân các phương án phòng, tránh bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn tuyên truyền, vận động, giúp đỡ Nhân dân chủ động phòng, chống bão; rà soát, lên phương án phòng, chống, di dời người dân đến nơi an toàn; cử lực lượng thường trực ở các địa bàn sung yếu, cắm biển cảnh báo ở các khu vực nguy hiểm, tích cực, chủ động tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả trước, trong và sau bão.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế duy trì 380 cán bộ, chiến sĩ/28 phương tiện tàu thuyền, canô, ô tô để sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến của bảo, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”; duy trì quân số, phương tiện thường trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng Nhân dân về hướng đi và mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 4 để chủ động triển khai các phương án phòng tránh.