Theo Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quy mô chăn nuôi ở nước ta ngày càng lớn. Hiện tổng đàn heo đã đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu con, nhu cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cũng rất lớn và đây sẽ là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn trong ngành Chăn nuôi, do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN&PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức ngày 21/3 (tại Hà Nội kết nối trực tuyến), Ts. Nguyễn Thế Hinh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, cho biết, thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã xây dựng mô hình tại 10 tỉnh với kết quả khá khả quan.
Theo đó, các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn khoảng 5 - 6 năm (riêng những trang trại heo quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận 60%, thời gian hoàn vốn chỉ 2 - 3 năm). Không chỉ tạo ra khối lượng thực phẩm rất lớn mà các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhờ áp dụng công nghệ Biogas đã và đang sản xuất ra lượng điện khí sinh hoạt rất lớn từ phụ phẩm của chăn nuôi.
Tuy nhiên, khó khăn là hiện nay Chính phủ lại chưa cho phép nối điện Biogas với lưới điện quốc gia, nên điện khí sinh hoạt sản xuất ra không được tiêu thụ (đa số các trang trại chăn nuôi chỉ sử dụng hết khoảng 20 - 30% sản lượng điện Biogas sinh ra).
Vì vậy, tại diễn đàn, Ts. Nguyễn Thế Hinh đã đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện Biogas, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất và thương mại hóa máy phát điện Biogas nội địa.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách khu vực phía Nam, ngành chăn nuôi tạo ra khối lượng chất thải hàng trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí) với mục tiêu bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không để hiệu ứng khí nhà kính và tái sử dụng vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, những kiến nghị, đóng góp của các đơn vị sản xuất, chăn nuôi tại diễn đàn này sẽ được tập hợp, gửi lên các cơ quan quản lý để điều chỉnh chủ trương, chính sách quản lý cho phù hợp.