“Văn học giới” hiện vẫn là một thuật ngữ còn khá lạ lẫm với độc giả. Chúng ta vẫn luôn tiếp nhận và phân tích văn học dưới góc độ nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, xã hội,… nhưng ít ai đặt nó dưới góc nhìn “lý thuyết nữ quyền”, “lý thuyết đồng tính” hay gọi chung nhất là “lý thuyết giới”.
Sau quá trình học tập tại giảng đường, sinh viên Khóa 24 ngành Văn học ứng dụng đã được hướng dẫn, tiếp cận và hiểu hơn các khái niệm về “Giới” cũng như vấn đề giới trong xã hội và trong văn học. Từ đây, Tiến sĩ Hồ Khánh Vân, giảng viên bộ môn Văn học giới: lý thuyết và ứng dụng, đã cùng sinh viên lên kế hoạch thực hiện chương trình Triển lãm online “Giới và Nghệ thuật”. Triển lãm giới thiệu đến sinh viên cũng như các độc giả yêu thích văn học các khái niệm, cách nhìn nhận vấn đề giới không chỉ thông qua tác phẩm văn học, mà còn thông qua câu chuyện lịch sử cũng như các loại hình nghệ thuật khác. Triển lãm đã giới thiệu 4 đề tài chính: “Trình diễn giới - Gender Performance: Tôi là ai?”, "Bảo tàng văn học giới Việt Nam: Góc nhìn mới của Hoàng hậu Nam Phương về nữ giới", "Bảo tàng văn học giới Châu Á trước năm 1945" và "Bảo tàng văn học giới Châu Á sau năm 1945".
“Trình diễn giới - Gender Performance: Tôi là ai?” lấy cảm hứng từ hành trình rộng lớn tìm hiểu, khám phá bản thân, hiểu từng điểm tốt, xấu, cảm xúc và tư duy của chính mình. Đích đến chỉ xuất hiện khi chúng ta biết mình là ai. Nhóm tác giả đã giới thiệu đến người xem những khái niệm về giới, những vấn đề đang tồn tại trong tư tưởng, cách nhìn nhận về giới thông qua những nhân vật, câu chuyện có thật, và qua cả các chương trình game show, phim ảnh, nghệ thuật,…
Chọn một hướng đi khác biệt hơn so với những nhóm còn lại, ở đề tài "Bảo tàng văn học giới Việt Nam: Góc nhìn mới của Hoàng hậu Nam Phương về nữ giới", nhóm tác giả đẩy mạnh thị giác của người xem, tạo ra một một triển lãm hình ảnh chân thực nhất có thể. Theo đó, lấy ý tưởng từ hình tượng nhân vật lịch sử Việt Nam - Hoàng hậu cuối cùng Nam Phương, nhóm tác giả đã mang đến cho người xem hình ảnh người phụ nữ Việt ở giai đoạn giao thoa của lịch sử. Một cái nhìn về nữ quyền hiện đại trong một xã hội cũ tạo ra những thăng trầm trong cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương.
Hai đề tài cuối khai thác các tác phẩm văn học xuyên suốt qua các thời kì, thể hiện sự chuyển mình trong văn học khu vực Châu Á về cách nhìn nhận, tư tưởng và hiện thực xã hội. Trước khi những hệ thống lý thuyết về giới được phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì văn học giới ở khu vực Châu Á trước những năm 1945 vẫn chưa được quan tâm, chú ý nhiều. Những vấn đề về bất bình đẳng giới, vấn đề trọng nam khinh nữ xuất hiện dày đặc qua những giáo điều, tục lệ và hình ảnh người phụ nữ khốn cùng, chịu áp bức và bất công qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu tại các quốc gia khu vực Châu Á trước năm 1945 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ... Các vấn đề đã được thể hiện thông qua đề tài 3 "Bảo tàng văn học giới Châu Á trước năm 1945".
Vào thế kỷ XIX, các quốc gia Châu Á tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của phương Tây và điều này đã ảnh hưởng cực kì to lớn với sự phát triển văn học tại châu lục này. Các nền văn học của một số quốc gia tại Châu Á đã đạt được những thành tựu nhất định nhờ vào sự thay đổi về quan niệm cũng như nhận thức về vấn đề xã hội. Vấn đề giới, đặc biệt là hình ảnh phụ nữ vẫn luôn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học. Phụ nữ từ xưa đến nay gánh trên vai số phận long đong, bất hạnh, đau khổ, song sâu thẳm trong họ là sự mạnh mẽ cùng những phẩm chất và nét đẹp riêng ít ai nhận ra được.
Với Triển lãm online lần này, sinh viên Khóa 24 ngành Văn học Ứng dụng muốn người xem cảm nhận và hiểu hơn về văn học dưới góc nhìn “Giới và Nghệ thuật”, tiếp cận gần hơn đến tư tưởng, lối sống của xã hội chúng ta đã và đang sống... Triển lãm online “Giới và Nghệ thuật” đã đón nhận sự quan tâm tích cực của sinh viên cũng như độc giả yêu thích văn học.