Đến dự Lễ kỷ niệm còn có: Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước: Trương Mỹ Hoa, Đặng Thị Ngọc Thịnh…
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm và đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, trong đó nhấn mạnh: Đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân, lòng tự hào dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ động đến với cách mạng, đến với Nhân dân, học hỏi, bàn bạc với dân tìm ra cách làm hiệu quả nhất.
Đồng chí luôn chân thành, cởi mở với mọi người, đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ, khuyến khích phát huy tài năng của thanh niên, tiếp thu chọn lọc ý kiến của giới trí thức và chuyên gia. Đồng thời cho rằng, điều kiện tiên quyết của người lãnh đạo chân chính là phải biết nghe những ý kiến nói thẳng, nói thật và có tinh thần xây dựng. Chỉ có như vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi vận dụng vào thực tiễn, sẽ nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Bởi khi đó “ý Đảng hợp với lòng dân”.
Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, vẫn là công việc liên quan tới Tổ quốc và Nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn lặn lội đi khảo sát, tìm giải pháp phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tấm gương cống hiến và hy sinh hết mình cho đất nước, cho Nhân dân của đồng chí Võ Văn Kiệt mãi được ghi nhớ trong tâm khảm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước.
Kế thừa những giá trị mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong giai đoạn cách mạng mới, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hãy ra sức học tập, noi gương đồng chí Võ Văn Kiệt và các vị cách mạng tiền bối; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; chủ động, linh hoạt, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.
Buổi lễ còn tái hiện hình ảnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua sân khấu hóa, qua những tiết mục ca múa thể hiện sinh động về thân thế, sự nghiệp qua các giai đoạn nổi bật, giúp người xem thấy rõ hơn về một con người kiên trung, tận tụy, gần gũi.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng đến cắt băng khánh thành cầu Cái Cam 2, nối tuyến đường mang tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Quốc lộ 1A tại trung tâm Tp. Vĩnh Long.