Sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người.
Tại hội nghị, ý kiến các bộ, ngành và 4 tỉnh đều cho rằng sau 2 năm tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục, đến nay môi trường biển đã được khôi phục, an ninh trật tự ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường. Người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản.
Nhìn lại công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả, bồi thường, hỗ trợ người dân, Thủ tướng nhấn mạnh bài học về công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện; sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, nhất là địa phương, của các nhà khoa học; vai trò của Ban Chỉ đạo với 19 thành viên.
“Tiền chi mà không công bằng, công khai, minh bạch thì nguy hại còn lớn hơn nhiều”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Chính phủ không những chỉ đạo bình tĩnh, vững vàng, kiên quyết mà còn chỉ đạo chặt chẽ bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, “chứ không nóng đâu phủi đó”. Đây là kinh nghiệm cần thiết cho các địa phương vì làm gì cũng phải có tổng thể, cụ thể.
Thủ tướng cho rằng có 3 thành công lớn nhất: Người dân tin chính quyền, tin Đảng; người dân đoàn kết hơn và cán bộ trưởng thành hơn qua việc này, như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Qua sự cố này, Thủ tướng tin rằng trước những vấn đề phức tạp trong xã hội, có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ vượt qua.
“Hôm qua, tôi đã đi phỏng vấn trực tiếp người dân và nghe Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị báo cáo thì thấy người dân phấn khởi, hồ hởi, Thủ tướng nói, “sau sự vụ này, người dân thông cảm với nhau hơn, đoàn kết hơn, thương yêu nhau hơn. Đời sống tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như việc chi trả bồi thường cho người dân còn chậm so với kế hoạch. Đến nay, số tiền hỗ trợ cho người dân đã đạt 99,1%, còn 0,9% chưa giải ngân xong (trừ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt 100%).
Kiểm tra định kỳ phải được tiến hành nghiêm túcThủ tướng nhấn mạnh môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, tạo thành một tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. “Từ sự cố Formosa, nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta, phải làm tốt hơn, không được để ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bộ TN&MT cần có giải pháp và đề xuất xử lý để bảo đảm môi trường nói chung, môi trường biển được gìn giữ lâu dài.
Thủ tướng cũng nêu rõ không được để Formosa vi phạm lần thứ 2.
Hệ thống đánh giá tác động ảnh hưởng của môi trường cần đáp ứng yêu cầu năng lực, chủ động, hiệu quả và trách nhiệm. Công tác kiểm tra định kỳ phải được tiến hành nghiêm túc, nhất là kiểm tra đối với Formosa và các cơ sở ven biển miền Trung.
Bộ trưởng TN&MT cần xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn, KCN và các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát.
Cần công khai bộ chỉ số đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng bảo vệ môi trường của các tỉnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh. “Chúng ta tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng lưu ý nhắc nhở doanh nghiệp chú ý bảo vệ môi trường để có cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu nghiên cứu các phương án khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu thuế môi trường đối với chủ thể kinh tế gây ô nhiễm để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức nghiên cứu, thực hiện thí điểm thành lập thị trường mua bán phát thải khí carbon trong thời gian tới.
Các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, nhất là đẩy nhanh xử lý các vướng mắc hỗ trợ thủy sản tồn đọng.
Tiếp tục theo dõi, giám sát dọc biển, bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối đối với thủy sản, “trong đó có lưu ý vấn đề môi trường của Formosa khi công ty này khởi động lò đốt số 2 vào ngày mai (18/5)”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Đối với 4 tỉnh, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ bồi thường còn tồn đọng, “mặc dù còn không phẩy mấy phần trăm thôi nhưng người dân vẫn đang mong chờ”. Hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi một cách mạch lạc, rõ ràng; nếu có tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm.
Các tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách khác về an sinh như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu lao động. Tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Thủ tướng cũng nhắc các địa phương chú ý các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm như dự án hóa chất, lọc dầu, xi măng, sắt thép… trong quá trình thẩm định dự án đầu tư ở địa phương mình.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế khẳng định đã giám sát chất lượng và sự an toàn của hải sản, nhất là hải sản tầng đáy khu vực biển 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thường xuyên lấy mẫu ở các vùng biển của 4 tỉnh để kiểm nghiệm và cho biết hiện tại, kết quả hàm lượng các chất hóa học trong các mẫu hải sản đã ở dưới mức cho phép.
THEO CHÍNH PHỦ