Dự kiến tổ chức vào ngày 10/4, Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung, gồm: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng đây là những nội dung rất quan trọng khi tăng trưởng quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch, đạt thấp (3,82%), chỉ hơn một nửa so với kế hoạch đề ra. Vì vậy muốn tăng trưởng tốt thì cần giải quyết vấn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu…
Thủ tướng lưu ý mỗi nội dung nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó nêu rõ các gói hỗ trợ về tài khóa (đến nay, vào khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng)... Sau Hội nghị, sẽ có một Nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy vấn đề này.
Thủ tướng nêu rõ dịch bệnh giảm thì mới triển khai được công việc phát triển sản xuất kinh doanh, còn nếu dịch tiếp tục thì phải tập trung sức ngăn ngừa dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý về nội dung Hội nghị sắp tới, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, muốn ổn định đời sống nhân dân, khắc phục tình hình khó khăn hiện nay do dịch COVID-19 gây ra, để tạo đà cho sự phát triển đất nước thì mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.
Thủ tướng cũng nhắc công việc trước mắt là phải lo chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn
Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo sẽ đưa ra tại Hội nghị phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng. Về đánh giá tình hình, phải thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước để tìm biện pháp khắc phục khó khăn khi mà “chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay”, suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả suy thoái năm 2008.
Cho biết một số ngành quan trọng đều suy giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và sẽ nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài, Thủ tướng lưu ý cần nêu rõ bức tranh tổng thể để các cấp, các ngành nhận thức rõ khó khăn. Do đó, cần có Nghị quyết chuyên đề về các nội dung chính như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19 và đưa ra thảo luận tại Hội nghị sắp tới.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đặt vấn đề toàn quốc, các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.
Hội nghị phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Tài chính trình bày nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách Nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cần nói rõ hơn về gói hỗ trợ trong lĩnh vực này, trong đó có nguồn rất quan trọng cho gói này là từ tiết kiệm, gồm tiết kiệm chi thường xuyên, hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài…
Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Không được để tình trạng nơi nào quen biết thì cho hưởng mức thấp, nơi nào không quen biết thì để như cũ.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục tính toán việc giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, “doanh nghiệp sống được, ngân hàng sống được”.
Với Bộ Công Thương, tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, bảo đảm cơ số hàng phục vụ 100 triệu dân. Tập trung phát triển, tập trung giải ngân vốn cho các dự án công nghiệp trọng điểm, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tại Hội nghị, “trong lúc khó khăn, thế giới đối diện nhiều thách thức, cần coi nông nghiệp, nông thôn là nền tảng ổn định”.
Bộ Giao thông vận tải trình bày về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Phải tạo chuyển biến thực sự trong vấn đề này, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ Công an có báo cáo về các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói rõ các giải pháp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, kiểm tra, nhất là các địa phương trọng điểm, các bộ quan trọng, về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gõ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
“Chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì kết quả Hội nghị sẽ tốt bấy nhiêu”, Thủ tướng nhấn mạnh.