Hội nghị COP28 sẽ diễn ra tại Expo City Dubai, UAE, từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023. Hội nghị dự kiến quy tụ hơn 70.000 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia.
Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", hội nghị lần này sẽ tập trung vào 4 trụ cột gồm: Theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng; xử lý vấn đề tài chính khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân; tăng cường bao quát mọi mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Theo Ban tổ chức, COP28 sẽ bổ sung thêm chương trình đại biểu khí hậu dành cho giới trẻ lớn nhất từ trước đến nay và các gian trưng bày dành cho người bản địa, với nhiều hoạt động thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP28 năm nay, toàn thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) lần đầu tiên được công bố.
Đại sứ cho biết, việc Thủ tướng tham dự COP28 truyền tải nhiều thông điệp quan trọng đến bạn bè quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thêm vào đó, việc tham dự hội nghị lần này cho thấy Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên Hợp Quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu trong đó có chống biến đổi khí hậu cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Đặc biệt, đây cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với UAE, nước chủ nhà của Hội nghị COP28. Tại hội nghị năm nay, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ của COP28, Việt Nam cũng sẽ tổ chức Lễ ra mắt Kế hoạch Huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam và các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.
Triển vọng nâng cấp quan hệ Việt Nam-UAE
Đề cập tới thành tựu nổi bật trong mối quan hệ Việt Nam-UAE thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã có bước phát triển nhanh hướng tới thực chất, hiệu quả.
Lãnh đạo hai nước đồng quan điểm phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế. Triển vọng nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới là rất lớn. Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương.
Kim ngạch thương mại song phương (không bao gồm sản phẩm dầu khí) đạt trên 5 tỷ USD năm 2022 (theo số liệu của UAE là 8,3 tỷ USD bao gồm cả xuất khẩu sang nước thứ 3), hợp tác kinh tế đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực.
Hai nước đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Việc ký Hiệp định CEPA có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam-UAE nói chung và hợp tác kinh tế thương mại đầu tư nói riêng.
Hợp tác giữa Việt Nam với UAE nói riêng và các nước khu vực Vùng Vịnh nói chung có nhiều tiềm năng và dự địa để tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Đối với UAE, đây là một trung tâm thương mại, đầu tư, tài chính, năng lượng quốc tế. Việt Nam là nước sản xuất hàng hóa lớn, nông hải sản phong phú, đáp ứng yêu cầu của UAE.
Hai nền kinh tế có tiền năng, năng lực bổ sung và hỗ trợ cho nhau, vì lợi ích chung của hai nước. Đối với khu vực Vùng Vịnh, tiềm năng hợp tác thu hút đầu tư, năng lượng, an ninh lương thực, thương mại, du lịch, lao động là rất lớn. Việt Nam có nhu cầu và điều kiện để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn các lĩnh vực này.
Đại sứ cho rằng, sau chuyến công tác thành công của Thủ tướng đến Saudi Arabia vừa qua, chuyến thăm đến UAE lần này của Thủ tướng sẽ tạo đột phá lớn, làm sâu sắc và nâng quan hệ Việt Nam - UAE nói riêng và giữa Việt Nam với khu vực Vùng Vịnh nói chung lên một tầm cao mới./.