Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng: Phát triển xanh là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với Việt Nam

PV - 15:04, 28/11/2022

Sáng 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển xanh là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển xanh là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía châu Âu có Cao ủy EU phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius, Bộ trưởng Ngoại Thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher, Trưởng Phái đoàn - Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberto, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đại diện đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam, các tập đoàn châu Âu và chuyên gia của các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam tổ chức GEFE 2022 với chủ đề vô cùng thời sự "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam".

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì sự kiện có sự tham gia của đông đảo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, là minh chứng cho sự quan tâm và cam kết của cả Việt Nam và châu Âu về các vấn đề phát triển bền vững.

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 khai mạc sáng 28/11 tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 khai mạc sáng 28/11 tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng.

Thủ tướng cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, đa dạng hoá, đa phương hoá, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. "Sự hiện diện của các bạn ở đây đã thể hiện điều đó rất rõ", Thủ tướng nói.

Sau hơn 2 năm chống dịch, cuộc sống đã trở lại bình thường. 11 tháng qua, kinh tế xã hội phát triển hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, bảo đảm an ninh năng lượng).

Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẳng định cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Thủ tướng cho biết, minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột: Nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuân thủ các quy luật thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực của phát triển.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư; thúc đẩy việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Nhóm G7 và Việt Nam (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi.

Trước đông đảo các nhà đầu tư hàng đầu châu Âu, Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi.

Thủ tướng cho rằng, đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, vì tình hữu nghị Việt Nam - châu Âu, "rất mong các bạn hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh, rẻ", phù hợp với tình hình KTXH Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngang tầm các doanh nghiệp châu Âu. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tất cả các bên cùng thắng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh được tổ chức cùng thời gian Diễn đàn với hàng trăm gian hàng triển lãm của 20 nhóm tập đoàn công nghiệp xanh từ các nước châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh được tổ chức cùng thời gian Diễn đàn với hàng trăm gian hàng triển lãm của 20 nhóm tập đoàn công nghiệp xanh từ các nước châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào điện gió

Sáng nay, 28/11, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của châu Âu, trong đó có Equinor, CIP, Mainstream, Vestas, Airbus, HSBC, Suez, Siemens Gamesa, Schneider…

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam với tình cảm, trách nhiệm; luôn đồng hành, chia sẻ với Việt Nam trong lúc khó khăn do dịch bệnh.

Thủ tướng nêu bật các hoạt động triển lãm trưng bày sản phẩm và công nghệ xanh lần này cho thấy trách nhiệm cao và năng lực to lớn của các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án theo hướng đầu tư xanh gắn với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng nhân văn, bền vững, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình thực thi có hiệu quả các kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Diễn đàn hôm nay rất quan trọng, cổ vũ Việt Nam thực hiện chiến lược này. Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian tới, Việt Nam mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ về nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về thị trường, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị phát triển xanh, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gian hàng tại triển lãm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gian hàng tại triển lãm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp châu Âu tận dụng cơ hội tăng cường kết nối với các đại diện sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện; đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần tất cả đều thắng, với phương châm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng gió của Việt Nam. Một hội đồng gồm các tập đoàn lớn đã được thành lập nhằm tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu "xanh và trách nhiệm hơn". Các doanh nghiệp khẳng định sẽ hợp tác, giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu này.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh được tổ chức cùng thời gian Diễn đàn với hàng trăm gian hàng triển lãm của 20 nhóm tập đoàn công nghiệp xanh từ các nước châu Âu trong khu trưng bày hơn 6000 m2./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.