Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh

PV - 08:50, 07/12/2017

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại sự kiện này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo.

 

Thưa các đồng chí Lãnh đạo và quý vị đại biểu, khách quý,

Thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Tôi đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh 2017. Đây là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng để chúng ta cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp thông minh; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa quý vị đại biểu,

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Tận dụng thành công cơ hội sẽ hình thành những phương thức phát triển mới, tạo điều kiện cho các nước đi sau nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.

Các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Chương trình “Công nghiệp 4.0” ở Đức, Sáng kiến “Cộng đồng Công nghiệp Internet” ở Mỹ... Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh. Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.

          Thưa quý vị đại biểu,

Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải cách giáo dục và dạy  nghề, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Các Bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4 nghìn trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số

(đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là một nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã rất thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, DTT... Năm 2017, Tập đoàn Viettel được xếp hạng đứng thứ 2 trong ASEAN và trong tốp 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,68 tỷ USD.

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghiệp thông minh ở Việt Nam.Thưa quý vị đại biểu,

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày…  sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, rô-bốt hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa có tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và chuyển đổi thông minh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ thông tin. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới, tạo ra được sản phẩm, dịch vụ, giá trị gia tăng, việc làm mới cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Thưa quý vị đại biểu,

Việt Nam có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động nhất thế giới, có qui mô và nhu cầu thị trường lớn, đa dạng và đang ở thời kỳ dân số vàng. Tập trung vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng được cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Văn kiện Đại hội Đảng XII đã xác định rõ định hướng

tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là  tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, một số nội dung trọng tâm là:

(1) Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

(2) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số. Tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức.

(3) Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế

dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.

(4) Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực. Có kế hoạch cụ thể và khả thi để phát triển và làm chủ Hệ tri thức Việt số hóa; khơi dậy niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương.

(5) Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần chúng tay, vào cuộc trong phong trào đổi mới, sáng tạo, chủ động nắm bắt và khai thác có hiệu quả các cơ hội to lớn mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tập trung làm tốt công tác thông tin truyền thông, chuyển tải được những cơ hội và thách thức đến mọi người dân và từng doanh nghiệp.

(6) Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ

“Sản xuất tại Việt Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.Thưa quý vị đại biểu,

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.

Tại Diễn đàn quan trọng này, tôi đánh giá cao việc lựa chọn, tập trung thảo luận 3 chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam về: (1) Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá; (2) Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số; (3) Phát triển đô thị thông minh. Tôi mong các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học và quý vị đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm cụ thể về phát triển công nghiệp thông minh, tận dụng cơ hội của cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam và các chiến lược, cơ chế, chính sách liên quan, tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Một là, Việt Nam đang ở đâu? Tập trung đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp.Hai là, Thế giới đang làm gì? Đề nghị quý vị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm và điều kiện áp dụng. Nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại, kể các các nước đã phát triển và đang phát triển. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công.Ba là, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Tập trung đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Từ thực tiễn quản lý, chỉ đạo điều hành cho thấy, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao. Cần thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trong trung, dài hạn; trong đó phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển công nghiệp thông minh, hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi số hóa, chuyển giao và đổi mới công nghệ.Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,

Trên cơ sở báo cáo của các diễn giả, đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý và quý vị đại biểu sẽ cùng thảo luận, chia sẻ thẳng thắn, nêu rõ quan điểm,              định hướng, giải pháp cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính khách quan, khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng.

Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức Hội thảo và Triển lãm, tôi đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến của quý vị đại biểu để báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi đến Chính phủ, các Bộ ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ cho quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành.

Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của các đối tác, các tổ chức quốc tế và các nước đối với Việt Nam thời gian qua và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ và trực tiếp tham gia của các bạn trong thời gian tới, nhất là về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh.

Chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc Hội thảo và Triển lãm thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.
Tin cùng chuyên mục