Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TP. Hồ Chí Minh cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa

BTK - 22:04, 08/05/2020

Sáng 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TP. Hồ Chí Minh về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với nước ta, cả kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học - công nghệ… 

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ lắng nghe kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh để cố gắng xử lý trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh, nhất là những công trình dở dang. Cho nên những biện pháp, những quyết sách, giải quyết kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh, tháo gỡ vướng mắc cho Thành phố là nội dung quan trọng của cuộc làm việc, với tinh thần là TP. Hồ Chí Minh phải hướng đến đô thị hiện đại, điển hình của khu vực và thế giới trong thời gian tới. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kinh tế Thành phố có giảm sút trong 3 - 4 tháng qua, chủ yếu do cầu giảm (do dịch Covid-19) còn tổng năng lực cung của Thành phố vẫn bảo đảm. Đến nay, có 7.773 doanh nghiệp của Thành phố phá sản hoặc đóng cửa, như vậy, so với tổng số 250.000 doanh nghiệp của Thành phố thì chỉ chiếm 3%. Nếu có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì từ tháng 5 trở đi, với việc mở cửa thị trường trong nước và bước đầu với thị trường nước ngoài thì bộ máy kinh tế là các doanh nghiệp của Thành phố bắt đầu hoạt động trở lại. Theo Bí thư Thành ủy, tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý II và III rất rõ. 

Xác định động lực cho phát triển KT-XH của Thành phố trong 5 - 10 năm tới, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Thông qua thi tuyển quốc tế đã lập đề án tích hợp 3 lợi thế của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức, là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, 100.000 sinh viên. Khu đô thị này dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của Thành phố, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây sẽ là “quả đấm kinh tế” của Thành phố. 

 Về vấn đề này, UBND Thành phố đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép Thành phố xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh nhằm hình thành và phát triển khu đô thị nêu trên. Theo dự kiến, Thành phố phía Đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5km2 (đạt 141% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số hơn 1,1 triệu người (đạt 779% so với tiêu chuẩn quy định). Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ, mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì phù hợp quy định. TP. Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tại cuộc làm việc, UBND Thành phố cũng nêu hơn 20 kiến nghị. 

 Các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, là đô thị đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh phải giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước. Sau khi các biện pháp “giãn cách xã hội” được nới lỏng, kinh tế Thành phố sẽ phục hồi mạnh mẽ. Thành phố cần điều tra tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để có các kịch bản tăng trưởng; xử lý sớm các tồn tại của một số dự án. 

 Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh thành công, đóng góp vào thành công của cả nước. Trong quý I/2020, kinh tế Thành phố tăng trưởng 1,03%, chứ không phải con số 0,42% trước đây. Đối với một thành phố mà ngành dịch vụ chiếm 60% thì đây là một cố gắng trong bối cảnh phải thực hiện “giãn cách xã hội”. 

 Thủ tướng nhìn nhận, quyết tâm của Thành phố rất cao, nuôi chí lớn, không chỉ cho Thành phố mà đóng góp cho cả nước. “Cụ thể, năm 2020, các đồng chí đã quyết tâm đạt trên 6% tăng trưởng. Với con số này, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5%, dẫn đầu trong khu vực”, Thủ tướng nói. 

Với vị trí của một thành phố lớn, Thủ tướng đặt câu hỏi, TP. Hồ Chí Minh có những giải pháp gì trong thời gian tới? Thành phố phải chủ động ra sao trong khôi phục kinh tế? Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề này. 

Thủ tướng lưu ý, làm thế nào để trong 3 quý còn lại của năm 2020, Thành phố có tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình. Thành phố phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% của Thành phố không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm với đất nước. TP. Hồ Chí Minh không chỉ thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, mà sẽ thành công trong phát triển KT-XH năm 2020. Đây chính là uy tín, là hình ảnh của Thành phố mang tên Bác, là hành động thiết thực phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Đề nghị Thành phố phát huy cao độ phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của những ngày tháng Tư lịch sử 45 năm trước để kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng mong muốn, TP. Hồ Chí Minh cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.