Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội 11 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 11 có rất nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước như kinh tế - xã hội, đối ngoại, thiên tai bão lũ và Chính phủ đã chỉ đạo toàn diện mọi vấn đề với tinh thần chủ động, trách nhiệm, hiệu quả cao. Đặc biệt, năm nay, kinh tế vẫn có khả năng đạt tăng trưởng từ 2,5 đến 3%, và thu ngân sách nhà nước khả quan hơn so mức báo cáo Quốc hội.
Trong tháng 11, Chính phủ đã báo, trình Quốc hội 74 văn bản và Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó, có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa rồi, Quốc hội cũng ra nghị quyết phê chuẩn ba thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trả lời chất vấn, thảo luận trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời nhiều vấn đề rõ ràng, sâu sắc, thể hiện nắm rất chắc các vấn đề thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng cũng nêu rõ, trong tháng 11, trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự kiện quan trọng, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trách nhiệm với quốc tế đã tham gia và đóng góp quan trọng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các nước đã thông qua 84 văn kiện, là số văn kiện lớn nhất trong một kỳ hội nghị cấp cao của ASEAN từ trước đến nay, trong đó có nhiều nội dung hợp tác mang lại lợi ích quốc gia và được các nước ASEAN ủng hộ, thống nhất cao. Bên cạnh đó, dưới sự “chèo lái” của Việt Nam, dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 còn đạt thành công quan trọng là 15 nước đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định quan trọng với số dân của các nước tham gia hiệp định này lên tới 2,2 tỷ người.
Trong tháng 11, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ứng phó bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã vào cuộc rất trách nhiệm, xuất cấp gần 16 nghìn tấn gạo, gần 1.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các địa phương cũng đã huy động nguồn lực xã hội rất lớn để hỗ trợ đồng bào miền trung trải qua chín cơn bão liên tiếp, trong đó có siêu bão, mưa lớn lịch sử. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đã thực hiện được bước đầu, dần ổn định cuộc sống nhân dân các vùng thiên tai.
Trước bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các biện pháp với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến dịch lây lan như thời gian vừa rồi. Cùng với yêu cầu các địa phương, bộ, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là những biện pháp cần thiết là đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ kiểm tra việc thực hiện việc này ở các địa phương, đơn vị. Các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh là hết sức quan trọng khi sắp tới diễn ra nhiều sự quan trọng của đất nước, như Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Về kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực hết sức để tháng 12 này đạt kết quả tốt nhất. Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị kinh tế - xã hội toàn quốc để kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm 2020. Các bộ, ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.../.