Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng: Ngành thuế cần biện pháp mạnh dẹp bỏ sự thờ ơ với người dân, DN

PV - 14:58, 26/02/2020

Sáng nay (26/2), tại trụ sở Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo lộ trình đến hết năm 2020, theo Quyết định 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 Cục Thuế thành 257 Chi cục Thuế khu vực.

Tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các Chi cục Thuế. Từ 711 chi cục, đến nay, cả nước chỉ còn 415 Chi cục Thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước 10 tháng so với mục tiêu đã đề ra..

Kết quả này là nỗ lực của ngành tài chính trong việc rà soát, sắp xếp bộ máy hành chính, giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; qua đó, giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 2 năm qua, Bộ Tài chính cắt giảm được 2.985 đầu mối đơn vị hành chính, giảm trên 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên, trong đó Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả tổ chức lại một bước hệ thống ngành thuế là tấm gương tốt, là việc khó mà ngành đã đạt được, từ đó thúc đẩy các cấp, một số ngành Trung ương nghiên cứu, vận dụng để tinh gọn bộ máy mà vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả này càng có ý nghĩa quan trọng khi hiện nay cả nước đang thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch COVID-19, vừa triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Thủ tướng, mô hình mới của ngành thuế đã gọn nhẹ hơn. Số lượng chi cục ở cấp tỉnh, cấp huyện giảm xuống từ 711 xuống 415 chi cục, giảm đến 2.100 đội thuế và từ đó, giảm biên chế hết sức mạnh mẽ. Mặc dù triển khai sắp xếp lại bộ máy, nhiệm vụ thu thuế, nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách Nhà nước, vẫn được bảo đảm. Toàn ngành đã thu 1,27 triệu tỷ đồng, vượt 9,3%. Lần đầu tiên, cả 63 tỉnh, thành phố đều thu ngân sách vượt kế hoạch.

Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính về thuế. Mức độ hài lòng của người dân, của người nộp thuế tăng từ 75% năm 2016 lên 78% năm 2019.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá nguyên nhân của thành công này, Thủ tướng cho rằng, đó là quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống, nhất là lãnh đạo Bộ Tài chính; biết phát huy truyền thống của ngành, “hội nhập quốc tế nhưng không quên truyền thống”; hoàn thiện thể chế theo hướng hiện đại hóa, hội nhập, đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội; áp dụng công nghệ.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua cũng như các khiếu nại của doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tình trạng nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra. Việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời. Việc dự báo đánh giá tình hình thu còn chưa sát thực tế phát sinh, còn bị động cho việc điều hành ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh cả nước vừa chống dịch, vừa thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính, ngành thuế cần có chương trình tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách thuế.

Phấn đấu nâng hạng chỉ số nộp thuế từ 7-10 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn, hiện đại hóa ngành thuế mạnh mẽ hơn. Tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng bấm nút hòa mạng các Chi cục Thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung của cả nước - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng bấm nút hòa mạng các Chi cục Thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung của cả nước - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp đối với ngành chúng ta đã giảm nhiều nhưng vẫn còn”, Thủ tướng nói. “Vì thế, ngành thuế phải tiên phong khắc phục vấn đề này”.

Thực hiện tốt chiến lược về nguồn nhân lực một cách công khai, minh bạch trong công tác cán bộ của toàn hệ thống, nhất là khi sắp xếp bộ máy.

Phải tìm những cán bộ giỏi, có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tăng cường quản lý, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế vì hiện nay còn đến 304 thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, có tới 188 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Liệu chúng ta có thể tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa được 10% thủ tục hành chính không và phấn đấu 2020, nâng 50% số thủ tục hành chính cấp độ 1, 2 lên cấp độ 3, 4 được không?, Thủ tướng nêu câu hỏi.

“Tôi lưu ý là vẫn còn một số cán bộ ngành thuế nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ sự thờ ơ này đối với người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói. Phải kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thoái hóa biến chất. Công tác cán bộ ở ngành thuế từ Tổng cục, Cục, Chi cục phải làm bài bản, chặt chẽ. công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã bấm nút hòa mạng các Chi cục Thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung của cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.