Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Để bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 470/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Theo đó, đầu tư công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 hành khách/năm, cùng các công trình phụ trợ đồng bộ. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.467 tỷ đồng, từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên, được kỳ vọng tạo sức bật mới cho tỉnh và vùng Tây Bắc. Hiện, thời gian di chuyển đường bộ từ Hà Nội - Điện Biên cần khoảng 10-12 giờ đi ô tô. Điện Biên hiện được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng nhưng việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.
ACV và các cơ quan, đơn vị liên quan đang giải quyết một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai dự án như bãi đổ thải, nguồn vật liệu, mặt bằng cho hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay; đồng thời tiến hành thủ tục lựa chọn các nhà thầu cho hạng mục xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, dự kiến chính thức khởi công nhà ga vào trung tuần tháng 4/2023 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào quý IV/2023.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của sân bay với sự phát triển của tỉnh, khi hoàn thành sẽ làm thay đổi mạnh địa phương, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường, làm tốt công tác đền bù, tái định cư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không đội vốn phi lý.
Nhà thầu thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ thời tiết thuận lợi, phấn đấu hoàn thành vào 19/11/2023, trước thời hạn 1 tháng, giải phóng nguồn lực, nâng cấp hạ tầng, tạo động lực phát triển mới, thu hút nhà đầu tư tới Điện Biên.
Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị quyết của Chính phủ về nguồn vật liệu cho các dự án, theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ áp dụng với các công trình trọng điểm quốc gia, tháo gỡ cho sân bay Điện Biên và nhiều công trình quan trọng khác trên cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước như nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân để lợi dụng "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Đồng thời, các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm về thủ tục triển khai dự án sân bay và thiết kế, xây dựng các công trình giao thông với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cũng trong chiều 8/4, Thủ tướng đã đi kiểm tra một số công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ như dự án đường động lực 60 m, khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Điện Biên. Thủ tướng cũng nghe báo cáo về ý tưởng xây dựng tuyến cao tốc Sơn La – Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang.
Dự án đường động lực 60 m có tổng chiều dài tuyến 35,35 km, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên, có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (980 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (320 tỷ đồng); thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.
Thủ tướng lưu ý tỉnh đổi mới tư duy, tập trung nguồn lực trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, chưa xây dựng các công trình chưa cấp bách, khẩn trương hoàn thành dứt điểm sân bay Điện Biên và tuyến đường động lực để mở ra không gian phát triển mới, nâng cao giá trị và khai thác hiệu quả quỹ đất mới từ tuyến đường.
Lưu ý Điện Biên không có nhiều quỹ đất, Thủ tướng đề nghị, các vị trí đẹp, thuận lợi phải dành cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vừa tạo nguồn thu lâu dài thay vì làm bất động sản chỉ thu được một lần; vừa tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, người đến ở, từ đó mới có người mua nhà, như vậy việc phát triển bất động sản, đô thị mới bền vững.