Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học này, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD&ĐT.
Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị cho Hội nghị, trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị các sở GD&ĐT, hội nghị các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và dự kiến nhiệm vụ năm học 2019-2020. Tại các hội nghị này, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo của Bộ, xác định năm học 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Tại Hội nghị, bên cạnh làm rõ các kết quả nổi bật trong năm học vừa qua Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các đại biểu thảo luận về những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, trong đó làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương. “Tôi trân trọng đề nghị các đồng chí, quý vị đại biểu tư vấn, góp ý, hiến kế để ngành giáo dục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới 2019-2020”, ông Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Nguyên nhân là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp; nhu cầu cần thêm khoảng trên 80.000 giáo viên). Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, với nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật. Nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
Báo cáo cho rằng, muốn thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu phát triển GD&ĐT phải có sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, chung tay, vào cuộc và đồng thuận của toàn xã hội. Sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể, trong đó ngành GD&ĐT phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, giữ vững kỷ cương, nề nếp trường, lớp học và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về giáo dục. Đồng thời, phải biết cầu thị, lắng nghe phản biện từ xã hội, tiếp nhận thông tin hai chiều để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, điều chỉnh những chủ trương đổi mới và giải quyết những bức xúc trong dư luận.
Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ tích cực triển khai. Theo kế hoạch, đến nay bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 của các nhà xuất bản tham gia biên soạn đã được gửi về Bộ để thẩm định. Bộ đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và đang tổ chức thẩm định.
Cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được triển khai tại 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT và 52.900 cơ sở giáo dục trên toàn quốc; hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học bước đầu triển khai đối với công tác tuyển sinh và thống kê ngành.
Trong báo cáo, Bộ GD&ĐT đã có thống kê thực trạng cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục công lập, trong đó có thực trạng nhà vệ sinh cho học sinh, theo đó, cả nước có hơn 584.000 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố gần 75%, bán kiên cố gần 20%; gần 50.000 nhà vệ sinh bán kiên cố, hơn 9.630 nhà vệ sinh tạm và hơn 1.700 nhà vệ sinh (nhờ, mượn, thuê).
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị này.
(baochinhphu.vn)