Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay quốc tế Zayed có Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế, Bộ trưởng chuyên trách về thu hút nhân tài của UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi; Đại sứ UAE tại Việt Nam Bader Abdulla Almatrooshi cùng các quan chức UAE. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.
Trong cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi tại sân bay, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm chính thức UAE. Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi bày tỏ hết sức vui mừng được tiếp đón Thủ tướng thăm UAE, đánh giá đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương và cảm ơn Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác với UAE.
Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi nhấn mạnh UAE coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng sẽ thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE sau 15 năm. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị; nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với UAE, tạo động lực, mở rộng giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với UAE, đặc biệt trong thu hút đầu tư của UAE vào Việt Nam và tạo bước đột phá cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.
Trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cao nhất của UAE; tiếp các bộ trưởng, lãnh đạo các quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn của UAE; có bài phát biểu chính sách quan trọng chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển, đường lối đối ngoại của Việt Nam; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại UAE…
UAE là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh; là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông; quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
UAE đang hướng đến phát triển bền vững, xác lập vị thế dẫn đầu trong các xu thế phát triển mới trên thế giới, thực hiện "Tầm nhìn UAE 2031" (We the UAE 2031), hướng tới mục tiêu đưa UAE trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu và hình mẫu phát triển thành công của thế giới.
UAE có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi; đề cao sự gắn kết với khối Arab và vùng Vịnh. Những năm gần đây, UAE tích cực triển khai chính sách "Hướng Đông", coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam với UAE đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất. Hai nước chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế và kỳ vọng của hai bên.
UAE đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,37 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023.
Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong tháng 6/2023 và dự kiến hoàn tất đàm phán, ký kết CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến tháng 6/2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Tiềm năng thu hút đầu tư từ UAE còn rất lớn khi nước này sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi quản lý 853 tỷ USD là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Tập đoàn Đầu tư Dubai quản lý 320,8 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới; Công ty Đầu tư Mubadala quản lý 276 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới…
Việt Nam hiện có khoảng 3.000 lao động tại UAE. Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây, UAE ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc 2023 - 2025.