Sáng nay, 1/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đánh giá cao chất lượng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố, Thủ tướng lưu ý định hướng trong tương lai không xa Đà Nẵng sẽ trở thành Thành phố loại đặc biệt của Việt Nam, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc quy hoạch, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch cần phải hướng về người dân, phục vụ phát triển đất nước, địa phương, không được để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Sau 7 năm thực hiện Đồ án, Thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và để đáp ứng nhu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Thành phố điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Thành phố cho biết, Thành phố đã thuê công ty chuyên nghiệp của Singapore để tư vấn cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, phát triển Thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái, đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và cả người dân, doanh nghiệp.
Đối với bán đảo Sơn Trà, kế thừa các dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch 2013 và trên thực tế đã phát triển, có đủ cơ sở pháp luật, do đó Thành phố không quy hoạch phát triển mới các dự án. Quy mô diện tích quy hoạch các dự án giảm xuống. Tương tự, với Bà Nà, điều chỉnh quy hoạch chung năm 2020 không quy hoạch phát triển mới, mở rộng các dự án. So với quy hoạch chung 2013, diện tích đất rừng trong quy hoạch chung 2020 tăng từ gần 50 nghìn ha lên trên 56.300 ha nhằm bảo tồn hệ thống môi trường tự nhiên, phát triển có kiểm soát chặt chẽ các dự án tại khu vực rừng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì cùng các bộ, ngành thẩm định Đồ án cho biết, để điều chỉnh quy hoạch chung, Thành phố đã thực hiện thống kê kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, môi trường, định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lich, dịch vụ, trung tâm kinh tế biển khu vực. Đồ án cũng xác định mô hình phát triển của Thành phố là đa cực, không gian đô thị chia làm 3 vùng là ven sông nước, lõi xanh và sườn đồi; thiết lập hai vành đai kinh tế là phía Bắc và phía Nam. Lãnh đạo một số bộ ngành cũng lưu ý Thành phố quan tâm đến các vấn đề như khai thác phát triển đô thị ngầm, ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển khu vực nông thôn…
Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao chất lượng Đồ án quy hoạch, đã bám sát những nhiệm vụ, định hướng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, đảm bảo tính kế thừa; định hướng trong tương lai không xa Đà Nẵng sẽ trở thành Thành phố loại đặc biệt của Việt Nam, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Đà Nẵng có du lịch là mũi nhọn, là thành phố trung tâm của kinh tế biển Việt Nam, cổng vào của hành lang kinh tế Đông-Tây và là thành phố thông minh, đáng sống. Thủ tướng cũng đánh giá, quy hoạch chung điều chỉnh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của quy hoạch chung 2013, đã chú ý đến phát triển xanh; có định hướng quy hoạch không gian, hạ tầng bài bản, hiện đại đối với trung tâm miền Trung nước ta.
Đánh giá cao các tổ chức, cá nhân của Thành phố Đà Nẵng có nhiều ý kiến tâm huyết đối với quy hoạch điều chỉnh lần này, Thủ tướng giao Thành phố trả lời về những vấn đề người dân quan tâm để nhân dân Thành phố yên tâm về quy hoạch phát triển.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý Thành phố về vấn đề nước thải của Thành phố, không để ô nhiễm môi trường biển, một cấu phần hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng. Bên cạnh đó là lưu ý vấn đề biến đổi khí hậu; làm rõ quan hệ của Đà Nẵng với các địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình…, làm rõ vị thế quốc phòng, an ninh của Thành phố, làm rõ hơn nội hàm thành phố đáng sống, thành phố an toàn mà Thành phố đang thực hiện.
Đối với động lực phát triển Thành phố về dài hạn, Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng phải đi bằng nhiều “chân” để phát triển, thay vì chỉ dịch vụ. Theo Thủ tướng, vừa rồi Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa là 3 địa phương tăng trưởng âm nặng, do phát triển chủ yếu dịch vụ mà chưa chú trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao. Du lịch cũng rất tốt, đúng tầm và có thế mạnh, nhưng nếu chỉ phát triển du lịch không thì Đà Nẵng khó phát triển quy mô lớn. Do đó, cần có chủ trương thu hút các dự án công nghiệp công nghệ vào Đà Nẵng, giảm thiểu tác hại đến môi trường và phát triển bền vững, có tầm cỡ, thay vì khi có biến động lại tăng trưởng âm. Và vấn đề thứ ba là văn hóa của Đà Nẵng như thế nào đối với thành phố đa văn hóa như Đà Nẵng, rất cần phải được quan tâm.
Cùng với quy hoạch chung và các quy hoạch chi tiết sẽ được Thành phố triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, chống lợi ích nhóm trong thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, nhất là các quy hoạch chi tiết, phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian qua. Phải chống tham nhũng, tiêu cực trong việc giải quyết điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các quy hoạch chi tiết. Cũng như Chính phủ, chính quyền các địa phương và Thành phố Đà Nẵng hướng về người dân, phục vụ sự phát triển đất nước và địa phương. Trong đó, Đà Nẵng không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn tạo thuận lợi về môi trường sống cho người dân. Phải có cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch, các phân khu chức năng, đặc biệt nơi đây có biển, sông, núi là những vị trí rất nhạy cảm có thể thu được lợi nhuận.
Theo đó, Thủ tướng giao Thành ủy, HĐND, chính quyền Thành phố lãnh đạo, giám sát, có cơ chế quản lý công khai minh bạch quy hoạch. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan định kỳ giám sát việc thực hiện quy hoạch. Các bộ, ngành tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển hạ tầng cứng, gồm cả cảng biển, sân bay./.