Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện một số doanh nghiệp, trường đại học, tổ công nghệ số cộng đồng của các địa phương.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc dự chương trình chào mừng có Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phân tích một số nét lớn về bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực hiện nay, ngoài vấn đề chiến tranh và xung đột, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số xu thế nổi lên có tác động, ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi nền kinh tế như xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; kết nối giữa các nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, kết nối giao thông, kết nối số; phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Thủ tướng, muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài thì không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Thực tế cho thấy đất nước ta đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng. Trong đó, chuyển đổi số, như chúng ta đã và đang làm, đã mang lại lợi ích rất rõ cho đất nước, cho người dân. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết về chuyển đổi số nhằm hiệu triệu cả nước tập trung đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, theo đó lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia, nhằm: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Thủ tướng cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia - sự kiện quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sự kiện cũng truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.
Đặc biệt, nếu làm tốt công tác chuyển đổi số, xếp hạng của Việt Nam về chuyển đổi số trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất.
"Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", Thủ tướng nói và nêu rõ 3 đột phá trong chuyển đổi số là thể chế số, hạ tầng số và con người số. Thủ tướng lưu ý điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới để thời gian ngắn mà chúng ta đi được quãng đường dài.
Cũng tại chương trình, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể sẽ đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ công nghệ số cộng đồng.