Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng chỉ ra 6 bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

PV - 20:30, 11/12/2020

Chiều ngày 11/12, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và khoảng 250 đại biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhắc lại ngày 24/12/2019, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 ra mắt tại chính Hội trường này và cũng nơi đây, ngày 7/1/2020, nhân Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020, “tôi đã đề nghị Năm Chủ tịch ASEAN 2020 phải: Thực chất về nội dung, chu đáo, trọng thị về lễ tân, hậu cần và bảo đảm tốt về an ninh, an toàn”. Lúc đó, trong không khí phấn khởi, lạc quan của năm mới 2020, không ai có thể hình dung được, chỉ hơn một tháng sau, con tàu ASEAN sẽ phải đi qua vùng biển động, dông bão dữ dội của đại dịch Covid-19, bị chao đảo bởi tình hình thương mại, kinh tế suy giảm mạnh, cạnh tranh địa chiến lược quốc tế diễn ra gay gắt tại khu vực…

Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, đến hôm nay nhìn lại chúng ta cùng tự hào tuyên bố Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất: Thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Trong thắng lợi chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta càng thêm tự hào về thành công của Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN-AIPA 41 và của Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8. Tất cả thể hiện hình ảnh một Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN vững mạnh với người dân là trung tâm.

Thủ tướng đánh giá cao việc kết thúc tốt đẹp Hội nghị Bộ trưởng Công an ASEAN về phòng chống tội phạm (26/11) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (10/12). Đây là những hội nghị cuối cùng trong chương trình 2020, mang ý nghĩa hợp tác chiến lược quan trọng của ASEAN, là những dấu son tô đẹp bức tranh thành công toàn diện của năm ASEAN 2020.

Thủ tướng khẳng định tinh thần chủ đề năm 2020 “ASEAN Gắn kết và chủ động thích ứng” là kịp thời và phù hợp.

Về kết quả Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng nêu rõ, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ, nhiều hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.

Với những thành công trong năm qua, vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam, ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao; là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

Thủ tướng và các cán bộ phục vụ ASEAN - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng và các cán bộ phục vụ ASEAN - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhìn lại năm 2020, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét. Một lần nữa, dấu ấn của Việt Nam được ghi đậm trong quá trình hơn 50 năm phát triển của ASEAN, từ chủ đề rất đúng và trúng là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tới cách đề xuất những ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cho đến phương thức chuẩn bị, chủ trì điều hành các hội nghị, soạn thảo các văn kiện và công tác tuyên truyền quảng bá.

Chúng ta đã không chỉ khéo léo, linh hoạt dẫn dắt, điều hòa những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết, đồng thuận của Hiệp hội, mà còn xử lý hài hòa, hiệu quả sức ép hay các bất đồng giữa các đối tác, qua đó tất cả các hội nghị trong năm diễn ra suôn sẻ, thành công. Đặc biệt, chính việc chúng ta kiểm soát được đại dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế-xã hội đã làm các bạn bè khu vực và quốc tế hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam, ủng hộ và hưởng ứng tích cực những sáng kiến, kế hoạch do Việt Nam đề xuất.

Có thể nói, từ những bỡ ngỡ ban đầu, qua 25 năm tham gia ASEAN, chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực.

Đặc biệt, với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay.

Những nỗ lực và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 được các nước ASEAN và các đối tác ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta. Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng chỉ ra một số bài học quý.

Bài học thứ nhất là bài học về sự chỉ đạo tổng thể, thống nhất và theo dõi sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các hoạt động đối ngoại quốc gia, nhất là Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thứ hai là bài học về phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đóng góp cho thành công năm Chủ tịch ASEAN. Nổi bật là phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội trong thành công AIPA 41, ASEAN 2020.

Thứ ba là bài học về phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam và “trường phái ngoại giao” Hồ Chí Minh. Đó là luôn vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song hết sức linh hoạt về sách lược - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biến “nguy” thành “cơ” thông qua cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, thực tâm, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung.

Thứ tư là bài học về việc chủ động, tích cực và sớm bắt tay chuẩn bị toàn diện, chuyên nghiệp, chu đáo cả về nội dung, lễ tân-hậu cần, an ninh, truyền thông… cho các hoạt động đối ngoại lớn.

Thứ năm là bài học về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương nói chung, cũng như vai trò của ASEAN nói riêng, trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương và song phương, tranh thủ hiệu quả các sự kiện đa phương để làm sâu sắc quan hệ song phương, huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Thứ sáu là bài học về sự kết hợp hài hoà giữa đối nội và đối ngoại. Thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 có nền tảng rất lớn từ thành công của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kép trong trạng thái bình thường mới vừa phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo đời sống người dân.

“Thành công của chúng ta hôm nay là thành công chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng những nỗ lực to lớn, tinh thần linh hoạt, sáng tạo trong hành động của nhiều tập thể, cá nhân, trong đó có các đồng chí”, Thủ tướng nêu rõ. Không có bất kỳ sự cố hay sai sót lớn đáng kể nào xảy ra trên tất cả các mặt.

Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ đối ngoại sắp tới là rất nặng nề. Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về phương hướng nhiệm vụ của các bộ, cơ quan và địa phương, đề nghị đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai cụ thể, trong đó lưu ý: Tiếp tục duy trì, phát huy thành công của năm ASEAN 2020 để nâng tầm vị thế đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; triển khai tích cực các nhiệm vụ ưu tiên của ASEAN, nhất là các sáng kiến của ta đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, cùng các nước ASEAN không chủ quan trong ứng phó với dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi tổng thể, bền vững nền kinh tế. Tranh thủ hiệu quả những cơ hội thuận lợi của Hiệp định RCEP. Các bộ, ngành kiểm điểm, làm giàu thêm kinh nghiệm chuyên môn về đối ngoại để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới…

Thủ tướng cho rằng, thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này như tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục thắng lợi tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.