Theo ghi nhận của phóng viên, từ giữa tháng 11 âm lịch, tại các vườn quất ở các thôn Trảng Suối, Đồng Nà, Bến Trễ (xã Cẩm Hà), người dân đã vận chuyển các chậu quất ra phía các lề đường Nguyễn Tất Thành để bày bán. Do thời tiết thuận lợi, quất năm nay sai trái, màu sắc đẹp và đang ở giai đoạn chín vàng. Từ giữa tháng 10 âm lịch, nhiều khách ở các tỉnh thành như Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Trị…đã đến để đặt mua quất của các chủ vườn ở Hội An.
Nhiều chủ vườn cho biết, so với năm ngoái, năm nay do kinh tế khó khăn nên nhu cầu chơi quất Tết của người dân đến thời điểm này cũng thua so với năm trước. Chính vì vậy, lượng khách đặt quất cũng chậm hơn trước, tuy nhiên giá năm nay cũng ổn định, giao động từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng mỗi chậu tuỳ theo độ tuổi, dáng thế và sai quả.
Ông Nguyễn Thành Trung, người trồng quất thâm niên ở xã Cẩm Hà cho biết: Đến thời điểm này, nhiều vườn đã được thương lái đặt mua gần hết. Nhiều cây có hình dáng đẹp, gốc lớn, trái sum suê thì giá có thể hơn 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Còn những chậu nhỏ hơn giá cũng 500.000 đồng đến 1,3 triệu đồng mỗi chậu.
Cũng theo ông Trung, để có được chậu quất đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì cần phải trải qua nhiều công đoạn và mất thời gian vài năm trời. Quất ở Hội An được người dân trồng ở ruộng khô khoảng 2 năm, sau đó mới đưa vào chậu. Khi quất được đưa vào chậu, người dân phải tỉ chăm sóc, bón phân, phun thuốc, loại bỏ các quả xấu… “Năm nay gia đình tôi trồng gia đình tôi trồng 400 cây quất lớn nhỏ. Hiện nay, thương lái đã đến đặt cọc mua khoảng 300 chậu với giá từ 600.000 đến 1,3 triệu đồng. Nếu bán hết số quất này, trừ chi phí, gia đình tôi dư khoảng 200 triệu”, ông Trung chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng (54 tuổi, phường Thanh Hà) cho hay: Gia đình tôi năm nay mạnh dạn đầu tư khoảng 500 chậu quất lớn, nhỏ. Hiện nay đã có nhiều khách ở các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định đặt mua quất, với giá từ 500.000 - 4 triệu đồng/chậu. Năm nay, theo tình hình thì lượng quất ở địa phương trồng nhiều hơn so với năm ngoái, cùng với kinh tế năm nay cũng khó khăn, nên lượng quất bán ra có vẻ chậm hơn các năm. Tôi hi vọng trong thời gian tới, số quất của gia đình trồng có thể bán hết để có cái Tết sung túc hơn.
Người dân trồng quật cảnh ở xã Cẩm Hà cũng đang lo lắng vì chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhưng thời tiết bất thường khiến cây quất dễ bị nhiễm bệnh, người trồng quất phải dùng các biện pháp kỹ thuật để tạo hoa, chồi non cho cây quất rất công phu, lại tốn thêm kinh phí. “Gia đình tôi trồng khoảng 200 chậu, chỉ tính riêng tiền phân bón, thuốc thì đã mất hơn 35 triệu đồng. Thương lái đã đặt cọc mua 130 chậu, giá khoảng 1,1 triệu đồng mỗi chậu”, ông Phan Chấn (xã Cẩm Hà) cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ: Nghề trồng quất ở địa phương đã có từ lâu đời, trong những năm qua, nhiều bà con đã khấm khá từ các vườn quất. Năm nay, toàn xã có khoảng 360 hộ trồng, với khoảng 65.000 chậu quất. Doanh thu từ quất Tết năm ngoái khoảng 55 tỉ đồng. Còn năm nay, giá bán quất tương đối ổn định, người dân cũng phấn khởi. Theo dự kiến, khoảng giữa tháng 12 âm lịch, địa phương sẽ tổ chức ngày hội quất cảnh và đón nhận Bằng nghề truyền thống của tỉnh.