Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thu nhập cao nhờ trồng dâu nuôi tằm

Hoàng Quý - 15:27, 08/06/2021

Trồng dâu nuôi tằm là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công ở các xã vùng cao biên giới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhiều hộ gia đình ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn (Bảo Lạc) đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dâu nuôi tằm. Hiệu quả từ cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công đã làm cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc địa phương đổi thay từng ngày.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại thu nhập cao cho người dân
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại thu nhập cao cho người dân

Xã Cô Ba là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp hạn chế của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Địa hình chủ yếu là núi đá lại thêm đất đai không màu mỡ nên trồng ngô, lúa không mang lại hiệu quả cao, thu nhập của bà con nông dân không cao, đời sống còn nhiều khó khăn, bấp bênh.

Những năm gần đây, một số diện tích đất nông nghiệp của xã đã được chuyển đổi từ trồng hoa mầu sang trồng dâu và nuôi tằm. Đây là loại cây trồng mới ở địa phương, nên bước đầu bà con còn lúng túng về kỹ thuật... Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham quan những xã đã trồng dâu, nên bà con hiện đã tích lũy được kinh nghiệm để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Như tại xóm Nà Lùng, xã Cô Ba có 52 hộ, thì 39 trong số đó hiện đang theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế của xóm đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn.

Là một trong những hộ gia đình tiên phong trong phong trào chuyển đổi giống cây trồng, từ đất lúa sang trồng dâu nuôi tằm, đến nay kinh tế gia đình ông Lần Văn Lùng đã ổn định hơn nhiều. Năm 2015, ông chuyển diện tích đất từ trồng ngô sang trồng trên 25 nghìn cây dâu tằm. Trung bình mỗi năm ông nuôi 8 lứa tằm, thu gần 1 tấn kén, với giá thị trường như hiện nay mỗi năm thu về từ 70 – 100 triệu đồng.

Trồng dâu nuôi tằm hiện là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nhân rộng mạnh mẽ ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Qua nhiều năm, việc trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao kinh tế cho người dân sinh sống tại xã cùng biên này. So với ngô và lúa, trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả gấp 4 – 5 lần.

Người nông dân thu hoạch tơ tằm
Người nông dân thu hoạch tơ tằm

Theo ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc), hiện toàn xã có 87 ha trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm cho tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng. Đối với mô hình trông dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao, xã Cô Ba tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng mô hình, góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân.

Từ thành công của các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở xã Cô Ba, năm 2019, huyện Bảo Lạc đã đầu tư gần 700 triệu đồng từ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới triển khai mô hình này. Hiện nay, toàn huyện có trên 180ha dâu tằm, phân bố ở 5 xã.

Có thể thấy, từ một cây trồng mới, đến nay cây dâu tằm đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế của người dân huyện Bảo Lạc. Nhờ trồng dâu, đời sống của đồng bào dân tộc nơi vùng cao biên giới này đã được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt.

Bà Lãnh Thị Mai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: Trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí thu nhập trên 90 triệu đồng. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã chỉ đạo mở rộng diện tích, hiện nay toàn huyện có 185 ha, thu nhập hàng năm trên 20 tỉ đồng góp phần tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện mở rộng thêm 100 ha để tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ cây trồng manh mún, đến nay cây dâu đã trở thành cây chủ lực của bà con nông dân với diện tích ngày càng được mở rộng. Huyện Bảo Lạc cũng đang kêu gọi các hợp tác xã đầu tư, bao tiêu sản phẩm kén tằm nhằm ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm này cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.