Dự kiến khởi quay vào tháng 4/2022, khai thác những nét văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh trên dải đất hình chữ S, Du lịch đến tình yêu được kỳ vọng sẽ là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả nhằm thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.
Thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển
Du lịch đến tình yêu (A tourist’s Guide to Love) sẽ được quay ở nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Qua con mắt của các nhân vật trong phim, khán giả toàn cầu sẽ mãn nhãn với những nét hấp dẫn trong nhịp sống sôi động của Thành phố Hồ Chí Minh, những cảnh quan thiên nhiên của Đà Nẵng, không khí hoài cổ của Hội An, núi đồi hùng vĩ của Hà Giang và vẻ đẹp giao thoa giữa quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Bộ phim ghi nhận sự tham gia của hơn 200 nhân sự địa phương và nhà cung ứng. Du lịch đến tình yêu cũng có sự xuất hiện của một số diễn viên người Việt như Trúc Trần, NSƯT Lê Thiện…
Tại buổi làm việc mới đây giữa Thứ trưởng Tạ Quang Đông và ông Dean Garfield, Phó Chủ tịch toàn cầu về Chính sách công (Tập đoàn Netflix), lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá cao những hoạt động hợp tác giữa Netflix với một số đối tác của Việt Nam, đồng thời mong muốn có thêm nhiều hoạt động hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất phim tại Việt Nam. Ông Dean Garfield cảm ơn Bộ VHTTDL đã tích cực hỗ trợ và nhanh chóng cấp phép cho A Tourist’s Guide to Love được triển khai và ghi hình, đồng thời khẳng định, đây là bước khởi đầu và hy vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác cũng như các dự án điện ảnh giữa hai bên.
“Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là rất lớn. Thông qua A Tourist’s Guide to love, nhiều khán giả sẽ biết đến một đất nước xinh đẹp với người dân thân thiện và hiếu khách, từ đó thúc đẩy lượng du khách quốc tế đến Việt Nam. Với nhiều tiềm năng phát triển nền công nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, Việt Nam chỉ cần đưa ra tín hiệu muốn trở thành một trong những trung tâm giải trí của thế giới thì hoàn toàn có thể đạt được và có thể có tầm ảnh hưởng đến nền văn hoá của các nước châu Á như Hàn Quốc...”, theo ông Dean Grarfield.
Hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là một trong những vấn đề quan trọng để hiện thực hóa ước vọng đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam cất cánh. Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Việt Nam với cảnh quan tươi đẹp, nền văn hóa đa dạng và chiều dài lịch sử là những điểm thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Đã có không ít bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam và gây tiếng vang như Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… Gần đây nhất vào năm 2017, Đảo đầu lâu (Kong Skull Island) đã thực hiện khoảng 70% các cảnh quay ở Việt Nam và trở thành “bom tấn” của Hollywood. Trong giai đoạn 2015-2020, đã có 179 kịch bản hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là lĩnh vực rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, quảng bá đất nước, con người Việt Nam và góp phần phát triển du lịch. “Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức ưu đãi trung bình ở mức 20-30% giá trị dự án phim...”, theo bà Ngô Phương Lan.
Sức hút để kể những câu chuyện đẹp về Việt Nam
Phó Chủ tịch Tập đoàn Netflix Dean Garfield cho rằng, thế giới đang rất quan tâm và muốn biết Việt Nam hiện nay phát triển như thế nào. “Bộ phim A Tourist’s Guide to love mà chúng tôi sắp khởi quay tại Việt Nam cũng với mong muốn đưa hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với thế giới. Hy vọng sẽ có nhiều câu chuyện đẹp được kể trong tương lai...”, ông nói, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTTDL khi có phương thức tiếp cận tiến bộ, cố gắng đưa vào Luật Điện ảnh sửa đổi những điểm mang tính đột phá như phương án hậu kiểm với việc phát hành phim trên mạng.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông hy vọng khi Luật Điện ảnh sửa đổi với những điều khoản đơn giản hoá thủ tục cấp phép và những chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim quốc tế được Quốc hội thông qua (dự kiến tháng 10.2022, có hiệu lực vào quý I năm 2023) sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam phát triển. Thứ trưởng mong muốn Tập đoàn Netflix có thể chia sẻ những kinh nghiệm về cách thức triển khai phương pháp hậu kiểm tại một số quốc gia và đề xuất Netflix hỗ trợ giới thiệu, quảng bá Việt Nam đến với các đoàn làm phim quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong những sự kiện lớn của ngành điện ảnh Việt Nam.
Có thể nói, việc hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước nhiều năm qua chưa đạt được những bước phát triển đột phá. Trong khi đó, những nền điện ảnh lớn trên thế giới và trong khu vực đều có chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim dưới nhiều hình thức. Bà Nguyễn Phương Hòa cung cấp thông tin, tại Hoa Kỳ, gần 40 bang đã ban hành các biện pháp ưu đãi, cạnh tranh với nhau nhằm thu hút các đoàn làm phim đến quay tại địa phương mình. Tại Pháp, chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim quốc tế giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này. Nhờ ưu đãi tài chính, Thủ đô Budapest của Hungary cũng trở thành một trong những địa điểm quay phim phổ biến nhất châu Âu. Hàn Quốc luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại đây, chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim...
Như vậy, rõ ràng lâu nay Việt Nam ở thế bất lợi hơn trong việc cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà làm phim quốc tế khi chưa có các biện pháp ưu đãi, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính... Vì thế, bài toán đang được đặt ra hiện nay là, làm thế nào để văn hóa, cảnh sắc Việt Nam trở thành “viên nam châm” khó cưỡng đối với các nhà làm phim quốc tế?