Có cơ chế, vẫn khó đầu vàoĐể phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi với học viên tham gia học nghề. Có thể kể đến chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người DTTS thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trước đó, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người DTTS theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cũng đã được triển khai từ năm 2010.
Ngoài ra, các địa phương còn ban hành những chính sách riêng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia học nghề; một số cơ sở dạy nghề cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đào tạo, học phí, tiền ăn, chỗ ở... cho học viên theo học một số ngành nghề. Nhiều cơ sở dạy nghề đã thực hiện đào tạo nghề của doanh nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm cho học viên sau đào tạo,…
Cơ chế hỗ trợ “thoáng” là vậy nhưng hằng năm, các cơ sở dạy nghề vẫn rất khó tuyển sinh. Đây là rào cản đã trở nên mãn tính trong công tác đào tạo nghề lâu nay.
Có thể lấy Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam làm dẫn chứng. Trường có 6 phân hiệu, là đơn vị duy nhất trên cả nước đào tạo thợ mỏ, cung ứng công nhân theo đơn đặt hàng của ngành Than-Khoáng sản (TKS). Hệ thống tuyển sinh của Trường đã “phủ sóng” tại 29 tỉnh, thành phố, kết nối tới gần 160 huyện và hơn 2.000 xã trong cả nước. Về cơ chế, hiện Trường áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút học sinh theo học nghề mỏ như: miễn 100% học phí, tiền ăn, ở, thậm chí trong thời gian thực tập còn được hưởng 75-100% hệ số lương giống thợ lò…
“Thoáng” là vậy nhưng nhiều năm nay, Trường liên tục tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, không cung ứng đủ nhân lực cho TKS.
Chủ yếu là học ngắn hạn
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), khó khăn trong công tác tuyển sinh tại các trường nghề là tình trạng chung, khá phổ biến trong một số năm gần đây. Một trong những nguyên nhân là do “cửa” của nhiều trường đại học được mở hết cỡ để đón sinh viên; người học có nhu cầu có thể dễ dàng vào được các trường đại học, kể cả khi chỉ có lực học dưới trung bình. Cùng với đó, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng tâm lý trọng bằng cấp và muốn học tập ở trình độ cao vẫn còn đè nặng nên phần lớn người tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ chọn con đường vào đại học, ít người chọn trường nghề.
Chia sẻ của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã phần nào nói lên điểm yếu lâu nay trong công tác đào tạo nghề, đó chính là chất lượng học viên học nghề. Nhiều năm nay, xã hội đã riết róng câu hỏi: vì sao các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo các lớp sơ cấp, trung cấp, rất ít lớp nghề thuộc hệ cao đẳng? Đơn giản là, muốn có lớp nghề cao đẳng thì phải có học viên; mà muốn theo hệ cao đẳng thì học viên phải đáp ứng được yêu cầu bắt buộc là phải tốt nghiệp THPT; còn nếu chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) thì chỉ có thể tối đa là theo học hệ Trung cấp nghề.
Đơn cử như Trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả (Quảng Ninh), năm 2018, số tuyển sinh của trường đạt chỉ tiêu được giao, tuy nhiên hơn nửa lại là học sinh mới tốt nghiệp THCS. Học sinh tốt nghiệp THPT rất khó tuyển dụng, mặc dù số này sau khi tốt nghiệp cao đẳng ở trường đều có việc làm.
Theo ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp để cung cấp học sinh cao đẳng sau tốt nghiệp cho họ, còn các doanh nghiệp này sẽ phối hợp với trường trong công tác đào tạo, tuyển sinh, chi tiền hỗ trợ, tiền học... Thuận lợi là vậy, nhưng hầu như năm nào trường cũng không tuyển đủ số học sinh tốt nghiệp THPT.
Những dẫn chứng nêu trên đã cho thấy được các rào cản lâu nay trong công tác đào tạo nghề. Những rào cản này nếu không có các giải pháp hiệu quả để gỡ bỏ thì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực lao động và gia tăng tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với ngành, nghề hoặc trình độ đào tạo.
SỸ HÀO