Áp dụng văn bản hết hiệu lực
Trong đơn thư gửi Báo Dân tộc và Phát triển, các hộ dân ở Khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú, phường Phủ Hà phản ánh: Tháng 3/2017, Dự án Đường N9 nối Quốc lộ 1A với đường Thống Nhất, thuộc địa bàn phường Phủ Hà, được khởi công. Trước đó, để triển khai dự án, ngày 25/5/2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND (QĐ 222), phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC khi thực hiện thu hồi 37.511,1m2 của 71 hộ dân và 7 tổ chức thuộc Khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú, phường Phủ Hà.
Theo phản ánh của người dân, căn cứ để thực hiện QĐ 22 được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định là Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Lẽ ra, khi căn cứ vào Luật Đất đai 2013 thì trong QĐ 222, UBND tỉnh Ninh Thuận phải áp dụng Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Nhưng trong QĐ 222, UBND tỉnh Ninh Thuận lại áp dụng những văn bản đã hết hiệu lực. Cụ thể, theo QĐ 222, đối với các hộ dân bị thu hồi đất, UBND tỉnh Ninh Thuận áp dụng Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Quyết định số 2380/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh để thực hiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Người dân bị thu hồi đất khẳng định, việc áp dụng các văn bản đã hết hiệu lực để xây dựng phương án bồi thường ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Những bất thường này đã được người dân khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn cho rằng, khiếu nại của người dân không có cơ sở, đồng thời khẳng định, QĐ 222 được ban hành đúng các quy định của pháp luật?!
Lạm dụng thu hồi đất?
Một trong những căn cứ pháp lý của QĐ 222 là Thông báo số 465/TB-VPUB, ngày 31/11/2014 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về giải quyết các vướng mắc ở các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm, trong đó có Dự án Đường N9. Thông báo này nêu rõ: Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất từ 300m2 đất nông nghiệp trở lên để thực hiện dự án, ngoài việc đền bù theo quy định pháp luật, còn được giao một lô đất ở chuyển đổi nghề theo giá dự án.
Nhưng theo phản ánh của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Đường N9 (cũng là dự án BT), chính sách này không được triển khai. Không những vậy, ngoài việc thu hồi diện tích đất để làm đường trong QĐ 222, tỉnh Ninh Thuận còn thu thêm 20m chiều sâu, dọc hai bên Đường N9 để giao cho nhà đầu tư Dự án N9 phân lô, bán nền.
Theo người dân bị thu hồi đất, Dự án Đường N9 là dự án kinh tế độc lập, được quy định tại Điều 4, Quyết định 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015; không thuộc diện đất Nhà nước thu hồi theo điểm b, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013. Do đó, việc tỉnh Ninh Thuận thu thêm 20m ven hai bên đường N9, giao nhà đầu tư phân lô bán nền là vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi.
Được biết, người dân có đất bị thu hồi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo lên các cấp có thẩm quyền tỉnh Ninh Thuận nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thiết nghĩ UBND tỉnh Ninh Thuận cần sớm trả lời xác đáng cho vấn đề này.