Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thủ đô Hà Nội những ngày giãn cách

Duy Ly - 18:30, 30/07/2021

Hà Nội những ngày này vắng lặng, bởi người dân Thủ đô lại tiếp tục chuỗi ngày giãn cách xã hội. Mọi hoạt động không thiết yếu phải dừng lại, người dân cùng đồng hành chống dịch với các cơ quan chức năng bằng cách “ở nhà” và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Còn ở tuyến đầu, những chiến sĩ áo trắng, áo xanh… vẫn đang căng mình làm nhiệm vụ.


Đường phố vắng vẻ, những cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa tạm thời
Đường phố vắng vẻ, những cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa tạm thời

Hành động nhanh, quyết liệt

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tối 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CĐ-UBND. Theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6h00 ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố. 

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thời điểm này, TP. Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg là tất yếu để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân. Quyết định áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống Nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

Để đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân trong mùa dịch, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn vẫn tiếp tục được hoạt động nhưng chỉ bán những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn.

Thành phố rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng, có kế hoạch cho lưu thông, phân phối, đảm bảo cung cấp hàng hóa kịp thời, bình ổn giá… để người dân giữ tâm lý bình tĩnh, yên tâm chống dịch, hạn chế ra ngoài mua tích trữ quá nhiều.

Thẻ đi chợ tại quận Tây Hồ
Thẻ đi chợ tại quận Tây Hồ

Mới đây nhất, tại quận Tây Hồ, Văn bản số 1304/UBND-KT chỉ đạo UBND các phường về việc triển khai làm “Thẻ vào chợ” cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận. Mỗi hộ gia đình sẽ được cấp phát 5 “Thẻ vào chợ” cho 15 ngày, bảo đảm 3 ngày đi chợ 1 lần luân phiên giữa các hộ gia đình. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần cho 1 chợ bất kỳ trên địa bàn để tạo thuận lợi cho người dân.

Hay tại quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Đức Thắng đã cấp “Phiếu kiểm soát phòng chống dịch Covid-19” hay còn gọi là “phiếu ra đường” cho khoảng 2.500 hộ gia đình tại đây.

Hiện tại việc phát hành “phiếu đi chợ” đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc giãn cách. Vì vậy mà mô hình này được đánh giá cao và được Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu áp dụng sớm nhất có thể (chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc họp chiều ngày 27/7 vừa qua).

Trong công tác thực hiện phòng, chống dịch, hoạt động phun khử khuẩn đã và đang được ngành chức năng Thành phố tích cực được triển khai. Đây là lần đầu tiên Hà Nội phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Thành phố cũng tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin; tăng cường kiểm soát hoạt động ra vào thành phố và xử phạt những người ra đường không có lý do chính đáng...

Sáng 28/7, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức 7 điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn, với mục tiêu toàn quận đạt 4.000 mũi/ngày. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Thành phố và Hoàn Kiếm là quận đầu tiên triển khai tiêm đợt này.

Việc kiểm soát hoạt động ra vào Thành phố cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Hiện, nhiều chốt phòng, chống dịch bệnh đã được thiết lập tại các cửa ngõ để kiểm soát toàn bộ phương tiện đi lại. Đồng thời, Hà Nội cũng tăng cường xử phạt hành chính với những trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng. Trong 4 ngày đầu thực hiện Chỉ thị số 17/CĐ-UBND, Hà Nội đã xử phạt hành chính số tiền hơn 3 tỷ đồng các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

Mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài phòng chống dịch

Nhiều người cho rằng, đợt dịch này người dân đã chủ động hơn và quen hơn với việc giãn cách xã hội. Họ không còn sốt sắng, lo sợ như những đợt dịch đầu. Tuy nhiên, khi quen với bối cảnh này thì nhiều người lại tỏ ra chủ quan, nghĩ rằng “không đến lượt mình bị mắc” hay “đã có chính quyền lo”, ỷ lại vào vắc xin.

Điều này dẫn đến số lượng người không đeo khẩu trang, vẫn hiên ngang đi tập thể dục, vẫn lén lút mở hàng quán kinh doanh… mặc sự nhắc nhở của lực lượng chức năng và truyền thông nói “ra rả” bên tai. Tất nhiên đó chỉ là số ít những người dân chưa có ý thức tự giác phòng chống dịch, coi nhẹ sinh mạng bản thân và an nguy cộng đồng. 

Ông Vũ Minh Tuyến, cư dân tại tòa nhà No 3, bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) bộc bạch: “Trước kia ngày nào tôi và vợ cũng đi bộ vài lần quanh khu dân cư, vừa để thể dục, vừa để thay đổi không khí. Nhưng từ khi có Chỉ thị giãn cách của Thành phố, chúng tôi đành phải hoãn lại mọi hoạt động. Tình hình cấp bách như vậy, chúng tôi tự nguyện chấp hành, không thể vì chút sở thích cá nhân mà để ảnh hưởng đến việc chung”.

Đồng quan điểm với ông Tuyến, bà Phạm Phương Lan, cư dân tòa nhà VP2, Linh Đàm cho biết, bà cũng có thói quen đi tập thể dục vào sáng sớm kết hợp đi chợ mua đồ ăn. Nhưng hiện tại, bà chỉ có thể đi chợ 2 lần 1 tuần để hạn chế tiếp xúc với người ngoài.

Đến thời điểm này có thể nói, phòng, chống dịch Covid-19 thật sự là trận chiến ác liệt, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, khu phố phải là một pháo đài phòng, chống dịch. Và khi chưa thể làm được những việc lớn lao, chúng ta hãy an yên ở nhà, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và hãy lan tỏa những năng lượng tích cực, truyền tải thông điệp yêu thương để gắn kết mọi người, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng chính quyền đẩy lùi đại dịch./.

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.