Dự thảo quy định về chính tả trong chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện. Trong đó, quy định về chính tả tiếng Việt trong chương trình sách giáo khoa GDPT và các tài liệu khác sử dụng trong cơ sở GDPT...
Để đảm bảo viết đúng tên gọi của một số
DTTS trong chương trình sách giáo khoa GDPT, cuộc Tọa đàm đã lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Các đại biểu cho rằng, viết tên người, địa lý cần thể hiện đúng, đủ, tôn trọng tên riêng của từng vùng, miền, của từng dân tộc. Cần có quy định pháp lý về việc viết tên DTTS. Có định hướng, tiếp cận khoa học khi phiên âm hóa tiếng Việt nhưng được đồng bào đồng thuận, phù hợp với văn hóa đồng bào, để học sinh dễ tiếp cận. Cách viết tên làm sao cho bạn bè quốc tế có thể đọc được nhưng vẫn phải sát nhất đối với phát âm của đồng bào DTTS. Cần có sự đồng lòng, thống nhất giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nguyện vọng người dân…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ UBDT khẳng định: viết đúng, đủ tên gọi của một số DTTS trong chương trình sách giáo khoa GDPT thời gian tới là hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này, sẽ góp phần loại bỏ định kiến dân tộc. Thay mặt lãnh đạo UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà khoa học. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết, UBDT sớm hoàn thiện danh mục thành phần, định danh các dân tộc để làm căn cứ và mong muốn các nhà khoa học tiếp tục phối hợp để góp ý hoàn thiện các quy định về cách viết tên gọi dân tộc thiểu số trong chương trình sách giáo khoa GDPT.
Huyền Hiệp