Hôm nay, hàng triệu cán bộ, đảng viên trong cả nước cùng lúc sẽ dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến kết nối đường truyền tới cơ sở do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức.
Hội nghị sẽ tập trung nghiên cứu, quán triệt 5 chuyên đề gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình tại Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia.
Đó là những vấn đề lớn, cốt lõi, xuyên suốt và có tính định hướng của cả nhiệm tới. Báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, những người trực tiếp tham gia soạn thảo Văn kiện của Đảng ta trong nhiệm kỳ này.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Thành công của Đại hội đã củng cố sâu sắc hơn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới; khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các văn kiện của Đại hội là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa ý Đảng lòng dân; là sự tổng kết sâu sắc lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, xác định các mục tiêu chiến lược lớn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, có giá trị định hướng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu tiền đề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống, là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Yêu cầu trong đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Từ đó thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên đều được nghiên cứu học tập, quán triệt, nắm vững những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội, các nội dung trong chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, vận dụng phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị và điều kiện của mỗi cá nhân, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng; kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, quán triệt; các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng chương trình hành động của cấp ủy.
Việc tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải kết hợp với thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác; phải gắn học tập, truyền đạt nội dung Nghị quyết với việc uốn nắn những nhận thức lệch lạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
So với nhiệm kỳ Đại hội XII, lần này, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị bổ sung thêm cụm từ “nghiên cứu” bởi, cần phải nghiên cứu để hiểu thật sự sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như những điểm mới của Văn kiện Đại hội. Đồng thời, nhận diện đầy đủ những khó khăn thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Từ đó, củng cố niềm tin vững chắc vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của đại dịch COVID-19, hình thức trực tuyến cho phép việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra cùng một thời điểm, phạm vi rộng, số lượng cán bộ, đảng viên tham dự lớn với nhiều đối tượng được triệu tập như: cán bộ chủ chốt các cấp, đảng viên, đoàn viên và các thành phần xã hội khác, sức truyền tải thông tin nhanh, rộng khắp, có tính thời sự cao. Việc chỉ đạo quán triệt không qua các tầng nấc sẽ bảo đảm được tính thống nhất về nội dung cũng như tư tưởng chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên được trực tiếp nghe báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng truyền đạt. Tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến cũng góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian, kinh phí tổ chức, phù hợp với xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và góp phần sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, phải có hành động quyết liệt “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”. Mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Chỉ thị số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết; phải đổi mới khâu học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Trước hết, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, phải thông qua xây dựng chương trình hành động của mỗi cá nhân trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình với những nội dung chi tiết và lộ trình thực hiện cụ thể. Phải nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết. Trong triển khai phải quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ, tiếp thu ý kiến, phản biện của nhân dân để kịp thời điều chỉnh những vấn đề nảy sinh cho phù hợp, tránh dập khuôn máy móc, duy ý chí hay trông chờ vào cấp trên…
Thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; là một trong những đại hội thành công nhất trên mọi phương diện cả về nội dung và tổ chức. Nhưng công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Cùng với việc thực hiện thật tốt các nhiệm vụ năm 2021, tất cả các ngành, các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng; tinh thần thực hiện nghị quyết toàn diện, sâu sắc, thiết thực cụ thể với tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm cao. Biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành những hành động thiết thực như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Không phải đại hội xong là coi như xong. Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội. Có như vậy, nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống, mới thật sự có ý nghĩa thiết thực!
Với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, mỗi cấp ủy, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết ngày hôm nay sẽ cùng nhau thổi bùng lên ý chí, niềm tin, khát vọng, biến quyết tâm chính trị thành hành động thiết thực, sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống!