Tất cả những lợi thế đó là cơ hội để Thọ Xuân phát triển một nền kinh tế tổng hợp: Công nghiệp, du lịch tâm linh, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, làm cho bức tranh KT-XH của huyện có những bước phát triển vượt bậc.
Trong thời gian qua, huyện Thọ Xuân còn nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các chính sách, dự án lớn của Đảng, Nhà nước, nhờ đó bức tranh về diện mạo huyện trung du miền của địa phương đã thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thọ Xuân được nâng lên. Nổi bật là tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 6,3% (xếp thứ 2 toàn tỉnh). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,80 triệu đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2019; tổng huy động vốn đầu tư và phát triển đạt trên 6.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo thêm nhiều việc làm cho đồng bào DTTS, các xã vùng sâu, vùng xa thu nhập ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,56%. Trong 5 xã miền núi có 1 xã đạt NTM nâng cao, 1 thị trấn đạt tiêu chí Đô thị văn minh; trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng; khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, khu dịch vụ Cảng hàng không Thọ Xuân, khu dân cư đô thị... đã tạo động lực cho các xã miền núi, đời sống Nhân dân được nâng lên, trong đó các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các DTTS, hộ nghèo được thực hiện hiệu quả, đời sống của đồng bào DTTS ngày được cải thiện.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được địa phương quan tâm thực hiện. Năm 2023, huyện có 32 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 31 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.
Công tác bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được quan tâm thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 57 di tích, di sản được xếp hạng công nhận, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa phi vật thể và nhiều lễ hội, với các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang đậm đặc trưng bản sắc dân tộc Mường, Thái, Thổ, Tày... như Lễ hội Mường Tiên Bạn, Lễ hội phủ Día…
Có thể thấy, những kết quả đạt được ấy, đã khẳng định tính đúng đắn chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; là biểu tượng của khối Đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn huyện đang xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 và xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành thị xã trước năm 2030.
Vừa qua, tại buổi thăm và làm việc với huyện Thọ Xuân, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, để phát triển huyện Thọ Xuân tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là đưa huyện sớm trở thành thị xã, một hạt nhân của khu vực, tạo dộng lực cho phát triển của cả vùng, huyện Thọ Xuân cần xác định phải phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; Đồng thời, phải tích cực phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tạo thế và lực phát triển..., qua đó phấn đấu đưa Thọ Xuân sớm trở thành một trong những huyện thuộc tốp dẫn đầu về thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.
Để thực hiện được những yêu cầu này, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện, cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn huyện Thọ Xuân phải tiếp tục củng cố vững chắc sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ các tiềm năng, thế mạnh, những thời cơ thuận lợi, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, “điểm nghẽn” của huyện trong quá trình phát triển; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp phù hợp để phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, trở thành thị xã trước năm 2030 và thực sự trở thành hạt nhân của khu vực, là trung tâm động lực phát triển quan trọng của tỉnh.