Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Thơ lẩu” trước nguy cơ mai một

PV - 10:24, 25/09/2018

Đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng vùng Bắc Kạn đặc biệt phong phú với hệ thống thơ ca, sli lượn… được ghi chép hoặc truyền khẩu từ ngàn đời. Tuy nhiên hiện nay, một số hình thức cũng như nội dung diễn xướng đã dần mai một, thậm chí biến mất trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, điển hình như “thơ lẩu”- thơ hát trong đám cưới của người Tày, Nùng.

Thơ lẩu Đoàn đón dâu nhận nước nhà gái trong một đám cưới người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

“Thơ lẩu” qua lời kể nghệ nhân

Đến nhà cụ Cắm, một nghệ nhân nức tiếng về hát “thơ lẩu” của vùng Tày Đại Sảo thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vào đúng ngày nhà cụ làm lễ giải hạn, nhờ đó chúng tôi có dịp được gặp gỡ các cụ cao niên ở một số vùng lân cận như Bản Duồng, Yên Mĩ, Yên Nhuận… tụ về.

Cụ Cắm-tên đầy đủ là Nguyễn Thị Cắm, năm nay tuổi đã cận bách niên. Ở vào cái ngưỡng như cụ, về trí nhớ có lẽ ít ai bì nổi, cụ còn thuộc nằm lòng cả ngàn câu thơ lẩu. Ngồi với chúng tôi, cụ Cắm say sưa kể về những cuộc đưa dâu mà cụ làm pả mè. Cụ cho biết, pả mè vốn không phải một nghề, song để làm được pả mè, cần thuộc rất nhiều bài thơ lẩu và phải học khá sớm. Cứ sau mỗi ngày làm lụng vất vả, những cháu gái tuổi từ mười hai đến mười lăm trong bản lại quây quần bên bếp lửa của nhà một pả mè nào đó để học hát thơ.

Thơ lẩu Cụ Nguyễn Thị Cắm, 96 tuổi say sưa kể về những câu hát đưa dâu trong đám cưới người Tày.

Thơ lẩu có rất nhiều bài, gần như xuyên suốt cuộc cưới, pả mè đều phải hát thơ, hát để xin bỏ chướng ngại vật trên đường, hát thơ từ chối khéo chén rượu nhà trai chuốc, hát xin rửa chân lên cầu thang nhà trai, hát xin trải chiếu, hát xin được ngồi, hát cảm ơn nhà trai mời cơm, mời nước, hát nhắn nhủ con trẻ khi trao dâu…. do đó đòi hỏi pả mè phải là người được đào tạo kỹ lưỡng về lề lối hát, có đạo đức, đoan chính. Đặc biệt, người được chọn làm pả mè cho các cuộc đưa dâu phải là người hoạt ngôn để có thể đối đáp lại kịp thời, sâu sắc những câu ghẹo, những câu khó mà nhà trai đưa ra để thử tài đoàn nhà gái.

Theo cụ Cắm, đám cưới của người Tày là cuộc vui đúng nghĩa, vừa là sự hoan hỷ của hai bên nhà trai, nhà gái khi dựng vợ gả chồng cho con trẻ, vừa là cuộc thi tài đối đáp bằng thơ đặc biệt hấp dẫn của quan viên hai họ. Qua đó cũng thấy được đức hạnh, phẩm giá của cô dâu khi bên cạnh luôn có những người tài giỏi, linh hoạt và phép tắc chỉnh trang.

Thơ lẩu Chăng dây chắn đường mời rượu trong một đám cưới người Tày tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Chỉ còn “vang bóng một thời”

Ở vùng cộng đồng người Tày tỉnh Bắc Kạn, cụ Cắm là người giữ cả gia tài phong phú di sản thơ lẩu, nhưng bây giờ cụ chẳng biết để lại cho ai. Những câu thơ cũng lặng lẽ như những pả mè vùng Tày của huyện Chợ Đồn hôm nay vậy. Cụ buồn lắm! Khoảng 20 năm nay rồi, chẳng còn tìm đâu một đám cưới có hát thơ nữa. Trẻ giờ cũng chẳng ai tìm các pả mè học hát. Đám cưới ngày nay, khi đoàn đưa dâu đến, đại diện hai họ phát biểu vài câu cho xong chứ không hào hứng như trước. Sách về hát thơ lẩu hiện cũng tứ tán nhiều nơi, trẻ con vớ được gấp máy bay, thuyền giấy hoặc mối xông hư hỏng cả.

Thầy tào Ngoạn, một thầy tào cao tay được mời về làm lễ giải hạn cho nhà cụ Cắm chia sẻ, bản thân ông trước khi làm thầy tào, thực hành các nghi lễ tâm linh cũng đã một thời làm Quan làng (trưởng đoàn đón dâu cho nhà trai) người đối đáp thơ chính với pả mè đoàn nhà gái. Ông cũng đã cất công sưu tầm được rất nhiều bài thơ lẩu đặc sắc của vùng Tày Đại Sảo cũng như khu Bắc, Khu Nam của huyện Chợ Đồn. Tuy nhiên hiện nay, rất ít người còn biết, còn thuộc thơ lẩu. Vừa nói, thầy vừa lần trong túi nải ra 2 cuốn thơ lẩu được chép tay đưa cho chúng tôi và dặn: “Nhà báo xem cái này có giúp ích được gì không? Đây là hai cuốn ghi chép những bài thơ lẩu mà tôi sưu tầm được ở vùng Tày Đại Sảo và Đồng Lạc cách đây mấy mươi năm, nó vẫn nằm im trong túi nải này vì lâu lắm chưa có dịp nào dùng đến”…

Nghe lời căn dặn đầy trách nhiệm của tào Ngoạn khi giao hai cuốn thơ lẩu ông luôn cất giữ bên mình, tôi chẳng biết phải nói sao để an lòng các cụ. Mong rằng, các nhà quản lý văn hóa cũng như Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn quan tâm hơn đến loại hình nghệ thuật dân gian này để thơ lẩu có thể phục sinh trong các sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Tày nơi đây.

HOÀNG CHIẾN THẮNG

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.