Tăng trưởng đầu vàoTừ nhiều năm nay, khủng hoảng “thừa” trong sản xuất nông nghiệp nước ta không còn là chuyện lạ; đã được bàn thảo rất nhiều. Và chắc chắn, những vấn đề liên quan đến khủng hoảng “thừa” trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục được nói đến bởi các mặt hàng nông sản vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá-được giá mất mùa”.
Trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 13/6/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sức sản xuất của Việt Nam trong thời gian qua tăng trưởng quá nhanh, khiến cung vượt cầu. Theo Bộ trưởng Cường, chỉ tính trong hơn 10 năm (2006-2017), riêng thịt lợn đã tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn; sữa tăng 15 lần, từ 511 nghìn tấn lên 800 nghìn tấn; cá nuôi (không kể cá khai thác) tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn; cùng với đó là 10 tỷ quả trứng.
Khủng hoảng “thừa” thể hiện rõ ở chăn nuôi lợn thịt. Từ trước tới nay, nguồn tiêu thụ lợn thịt của nước ta chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Riêng 3 năm gần đây, lợn thịt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt hơn 31 triệu con. Trong năm 2016, lợn thịt xuất theo đường tiểu ngạch đạt 12 triệu con, tương đương mỗi ngày xuất đi khoảng 33.000 con. Thế nhưng, kết thúc năm 2016, cả nước vẫn dư thừa 7,05 triệu con.
Sang năm 2017, tiêu thụ lợn thịt ở thị trường Trung Quốc “đóng băng” khiến mặt hàng này dồn ứ trong nước; kéo theo giá thịt lợn giảm sâu chưa từng có, người nuôi “treo chuồng” trong hơn hai quý đầu năm. Đến cuối tháng 8, khi giá thịt lợn nhích lên từng ngày, người nuôi lại nhanh chóng tái đàn, khiến tổng đàn lợn nuôi tăng chóng mặt.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 26/11/2017, tuy giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tổng đàn lợn trên cả nước ước khoảng 27,3 triệu con. Dự báo, năm 2018, tổng nguồn cung heo thịt tại Việt Nam ước tính lên tới khoảng 41 triệu con.
Chế biến cách xa sản xuấtTrong khi khâu sản xuất gần như bảo đảm cung ứng đủ các nông sản thiết yếu thì khâu chế biến và việc tổ chức thị trường của ngành Nông nghiệp nước ta lại đang rất yếu.
Như mặt hàng lợn thịt, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì khâu chế biến có thể nói là kém nhất trong các ngành hàng. Hiện nay, chỉ có 4-5 doanh nghiệp có chế biến nhưng chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối thì đếm trên đầu ngón tay làm cho khâu tiêu thụ hiện nay vẫn còn trên 90% theo kiểu truyền thống.
Mở rộng ra cả ngành sản xuất nông nghiệp nước nhà, theo số liệu của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có trên 5 nghìn doanh nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản có quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng chục nghìn doanh nghiệp chế biến nhỏ, hộ gia đình. Tuy nhiên, năng suất chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là vào tháng cao điểm mùa vụ như rau quả, sản phẩm chăn nuôi; khoảng 70% cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng nông, lâm, thủy sản có “tuổi đời” trên 15 năm.
Tại Hội thảo “Phát triển công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp” vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị và triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông-lâm-ngư nghiệp 2017 (diễn ra từ ngày 30/11 đến 2/12) ở Hà Nội, các chuyên gia nông nghiệp nhận định, do phương pháp bảo quản, chế biến còn lạc hậu, cơ sở vật chất sơ sài nên tổn thất sau thu hoạch của ngành Nông nghiệp còn lớn, dao động từ 10-20%.
Các chuyên gia cho rằng, để nông-lâm-thủy sản trở thành mũi nhọn xuất khẩu, trước tiên phải phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp. Muốn vậy, phải xây dựng môi trường hoạt động hiệu quả cho thị trường khoa học và công nghệ. Nhà nước, cơ quan quản lý có cơ chế chính sách rõ ràng để vận hành môi trường này vì hiện nay, các nhà khoa học đang phải tự tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà”.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả; ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua công nghệ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Có như vậy, bài toán “được mùa mất giá” mới có cơ may được giải.
Sỹ Hào