Tháng 10, đất trời cao nguyên đá dường như lúc nào cũng phủ màn sương mù đặc quánh, đến độ chỉ cách nhau vài mét mà không thể nhìn rõ mặt. Chúng tôi nghỉ đêm ở thị trấn Đồng Văn sau hành trình dài vượt dốc, đổ đèo với rất nhiều khúc cua tay áo. Đoàn lên kế hoạch hôm sau đi Lũng Cú từ rất sớm để chứng kiến chợ phiên Ma Lé họp ven đường với đủ sắc màu của đồng bào các dân tộc nên ai cũng háo hức và rất “đúng hẹn”. Quãng đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú dài chừng 24 cây số, chiếc xe dò dẫm từng mét đường trong sương sớm. Mải mê với văn hóa chợ phiên ở Ma Lé nên đoàn đặt chân đến Lũng Cú khi trời đã hửng nắng, sương tan dần và cái giá lạnh miền sơn cước cũng phần nào vơi bớt.
Nhìn từ xa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đầy kiêu hãnh trên cột cờ Lũng Cú, tâm trạng ai cũng thấy xúc động và quá đỗi tự hào, đó như một phần thưởng, sự đền đáp xứng đáng sau hành trình gian nan bởi đèo cao vực thẳm. Thì ra Lũng Cú là đây, cột cờ sừng sững trên đỉnh núi Rồng là đây- nơi biết bao người từng ước ao một lần được đến. Xung quanh núi Rồng là các bản làng của người Lô Lô, người Mông, người Giáy ẩn hiện qua lớp sương mờ, những nếp nhà trình đất, lợp ngói âm dương nâu trầm óng ả, một khung cảnh thật yên bình biết mấy. Bếp khói ngút lên từ các gia đình đồng bào, tạo cho du khách thêm cảm giác ấm áp ở miền biên viễn vốn rất lạnh giá vào mỗi mùa Đông.
Cô gái dân tộc Giáy thuyết minh tại Di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú tên Lục Quỳnh Anh còn rất trẻ và duyên dáng. Vừa dẫn đoàn leo qua những bậc đá, cô gái trẻ vừa hăng say giới thiệu về truyền thống, những phong tục tập quán, cội nguồn bản sắc, về quê hương, đặc biệt là cột cờ thiêng liêng Lũng Cú. Cô gái tự hào kể: Lũng Cú tiếng Mông gọi là lũng ngô (cú theo tiếng Mông có nghĩa là ngô).
Còn đồng bào Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở (theo phiên âm tiếng Hán). Đồng bào còn âm vang mãi những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại rằng: Khi xưa, thấy nơi đây non cao cảnh đẹp, rồng tiên xuống thưởng lãm nhưng vì chứng kiến cuộc sống của người dân vô cùng nhọc nhằn, phải canh tác trên núi đá tai mèo, nước ăn cho con người không đủ huống chi nước sản xuất cho cây trồng, vật nuôi. Thương cảm với đồng bào, rồng tiên đã để hai con mắt tại nơi này. Và hai mắt rồng đã hóa thành hai hồ nước dưới chân núi, người dân vẫn gọi là “long nhãn” (mắt rồng). Một hồ nước của làng Thèn Pả (làng của dân tộc Mông) và một hồ của làng Lô Lô Chải (của người Lô Lô). Điều kỳ diệu là nước ở hai hồ này không bao giờ cạn, nguồn nước ấy đã tiếp thêm sức sống mạnh mẽ hơn cho đồng bào trên miền đá quanh năm khô cằn.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng. Cột cờ được xây dựng hình bát giác, có chiều cao 33,15 m, xung quanh thân cột gắn hình tám mặt trống đồng Ðông Sơn, dưới chân cột cờ là tám tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước. Bước qua 839 bậc đá, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy cả một vùng giang sơn cẩm tú của Việt Nam. Ngước nhìn lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đang tung bay trong gió - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Một cảm giác đầy tự hào, xúc động đến khó tả khi được chạm tay vào cột mốc quốc gia nơi cực Bắc biên cương được mệnh danh là “Nóc nhà” của Việt Nam.
Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, đầu tư hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hồ nước thủy lợi, bể nước sinh hoạt tại các gia đình... cuộc sống của đồng bào vùng Cao nguyên đá nói chung, ở Lũng Cú nói riêng đã vơi đi nhọc nhằn. Cái đói, cái nghèo rồi sẽ dần đi vào quá khứ. Đặc biệt, đồng bào Mông, Lô Lô, Giáy,... vốn chỉ quen gắn bó với nương ngô trên núi đá tai mèo thì nay đã bắt đầu biết chuyển sang làm du lịch cộng đồng để khơi dậy tiềm năng mạnh mẽ.
Ở bản Lô Lô Chải, nhiều gia đình đã đầu tư và cung cấp dịch vụ homestay. Ngoài cho thuê phòng nghỉ, một số gia đình còn nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách, họ trồng hoa tam giác mạch để du khách chụp ảnh... Chúng tôi hiểu rằng, để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đỉnh núi Rồng là biết bao giọt mồ hôi, sự mưu trí, dũng cảm của những người lính biên phòng nơi đây, lá cờ ấy luôn gắn bó với mỗi bước chân tuần tra của các anh, góp phần mang lại bình yên, bảo vệ vững chắc bờ cõi mà cha ông bao đời gây dựng, giữ gìn.