Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thích ứng, an toàn mùa lễ hội đầu năm

Văn Hoa - 18:00, 21/02/2022

Những ngày đầu năm mới, khi muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc, thì cũng là mùa của những lễ hội truyền thống, trải dài trên khắp đất nước. Tuy nhiên, mùa Lễ hội Nhâm Dần 2022, nhiều lễ hội không thể tổ chức, hoặc chỉ tổ chức phần nghi lễ truyền thống, hạn chế tụ tập đông người để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dù chùa Trấn Quốc đã mở cửa phục vụ Nhân dân và du khách đến chiêm bái nhưng lượng người đến chùa rất thưa
Dù chùa Trấn Quốc đã mở cửa phục vụ Nhân dân và du khách đến chiêm bái nhưng lượng người đến chùa rất thưa

Tạm dừng nhiều Lễ hội

Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp Tết Nguyên Đán, là đồng bào dân tộc Sán Dìu tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) sẽ lần lượt tổ chức các  lễ hội đình - chùa đầu năm, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trong phần hội như: Bắn nỏ, đập niêu, kéo co, cờ tướng... đặc biệt là hội vật. 

Đặc biệt, để tránh bị trùng, giữa các làng trong cộng đồng người Sán Dìu đã thống nhất tổ chức lần lượt, như ngày mùng 4 tổ chức tại làng Xạ Hương, ngày mùng 6 tại làng Lưu Quang (xã Minh Quang), mùng 5 tại làng Cửu Yên (xã Hợp Châu), mùng 8 tại Làng Hà (xã Đại Đình)… Tuy nhiên, các lễ hội năm nay đã không được tổ chức, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại tỉnh Bắc Giang, hằng năm, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức từ ngày 12 - 14/2 âm lịch. Đây là lễ hội lớn trong vùng, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và tâm linh. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Mỗi năm chùa thu hút hàng vạn du khách đến lễ phật, vãn cảnh. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, lễ hội năm nay không được tổ chức.

Thái Nguyên là địa phương có nhiều đình, đền, chùa với huyền tích linh thiêng gắn liền với các lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tổ chức các lễ hội cũng được hạn chế, như chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, huyện dừng tổ chức các lễ hội để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tuy nhiên phần lễ vẫn được tiến hành trong không khí trang nghiêm.

Tương tự, tại Lai Châu, ông Nguyễn Tự Trọng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết: Than Uyên có rất nhiều lễ hội đầu năm, tiêu biểu là Lễ hội Xòe chiêng, Lễ hội Lùng tùng (xuống đồng), Lễ hội Hạn Khuống... Những ngày đầu Xuân năm 2022, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đỉnh điểm có ngày trên 500 ca mắc mới, nên Than Uyên tạm dừng tất cả các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người.

Có thể thấy rằng, để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, hàng loạt lễ hội lớn trong cả nước đều dừng việc tổ chức, hoặc không tổ chức khai hội trước thềm lễ hội như: Lễ Khai hội chùa Hương, Khai hội chùa Bái Đính, Tam Chúc, Khai hội Xuân Yên Tử, Khai ấn đền Trần, Lễ hội Gióng…

Du khách lội mưa đi lễ tại chùa Hương trong ngày 16/2 (Ảnh TL)
Du khách đội mưa đi lễ tại chùa Hương trong ngày 16/2 (Ảnh TL)

Tổ chức phải bảo đảm an toàn

Những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã cho phép mở cửa các đền, chùa, tổ chức các lễ hội Xuân đầu năm. Ghi nhận tại Hà Nội trong ngày 16/2, hàng loạt các di tích, đền, chùa đã mở cửa trở lại, đáp ứng được nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Thông tin chùa Hương mở cửa trở lại đã thu hút nhiều du khách tập phương về Hương Sơn trong những ngày qua. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại Lễ hội chùa Hương, tại 3 cổng trạm vào Khu di tích, huyện Mỹ Đức đã bố trí đầy đủ lực lượng, yêu cầu du khách thực hiện nghiêm 5K; 100% du khách đeo khẩu trang (bố trí bán khẩu trang bổ sung), sát khuẩn tay, khai báo y tế bằng mã QR code; bố trí 8 chốt kiểm soát dịch và 3 lều y tế lưu động để xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ sốt, ho, mệt mỏi có yếu tố dịch tễ.

Liên quan đến Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), ngày 15/2, ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thông tin, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022, sẽ tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ vào mùng 6/3 âm lịch và Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào mùng 10/3 âm lịch. Khuyến khích các địa phương tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và duy trì hoạt động các xã vùng ven rước kiệu.

Về phần hội, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và du khách, tỉnh đã có chủ trương không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người, mà tổ chức một số hoạt động có liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Đánh trống đồng; đâm đuống; diễn xướng Hát Xoan tại các Làng Xoan cổ; múa rối nước; bơi chải truyền thống...

Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của người dân trong dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa có văn bản gửi các sở liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022. 

Nội dung nêu rõ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Theo đó, thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL và ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch, trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3/2022. 

Với Thông báo trên, có thể một số lễ hội lớn của cả nước sẽ tiếp tục được tổ chức trở lại để phục vụ du khách.

Tin cùng chuyên mục
Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 DTTS tại Nghệ An: Cần phải chú ý hơn ở những vùng sạt lở

Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 DTTS tại Nghệ An: Cần phải chú ý hơn ở những vùng sạt lở

Chỉ mới tính riêng tác động của hoàn lưu bão số 3 và số 4 mới đây, các huyện miền núi Nghệ An đã phải tổ chức di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn vì đất sụt, nhà sập. Đó là thông tin mới về thực trạng kinh tế - xã hội, cần phải được bổ sung, chú ý hơn khi thực hiện hoạch định chính sách phát triển vùng DTTS&MN Nghệ An trong những giai đoạn tiếp theo.