Thị trường nhiều thách thức
Trong bối cảnh đại dịch lan rộng hiện nay đã gây ảnh hưởng khó khăn cho TTCK trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, TTCK Việt Nam đã ghi nhận những phiên giảm điểm liên tiếp và đã giảm khoảng 12% so với đầu tháng 7/2021. Không chỉ chỉ số giảm mạnh mà thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh từ mức trung bình 22.000 - 23.000 tỷ đồng trong tháng 6/2021 giảm xuống dưới 20.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư không ít phiên hốt hoảng khi TTCK chứng kiến khối ngoại bán ròng đến 30.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng bù lại nhà đầu tư mới trong nước (gọi là nhà đầu tư F0) lại mua toàn bộ khi khối ngoại bán ròng. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 621.000 tài khoản chứng khoán chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả 2 năm 2020 và 2019.
Theo ông Lê Văn Thành - Chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), giá trị bán ròng của khối ngoại tăng cao, cầu ở thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Điều này đang đẩy nhiều cổ phiếu vào trạng thái tăng mua, đồng nghĩa với việc thị trường đang ở trong trạng thái rủi ro nhiều hơn so với cơ hội.
Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư mới liên tục bỏ vào thị trường thì còn có sự hỗ trợ từ dòng tiền margin (cho vay đòn bẩy) của các công ty chứng khoán (CTCK). Sự gia nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư F0 đã kéo dư nợ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục. Thống kê trên thị trường cho thấy, cuối quý 2/2021, dư nợ cho vay của các CTCK lên tới 145.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dư nợ margin, tăng khoảng 35.000 tỷ đồng so với cuối quý 1/2021. Hầu hết các CTCK trên thị trường đều tăng trưởng dư nợ mạnh trong quý 2/2021.
Theo chuyên gia tài chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố; trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng thấp, kênh trái phiếu DN bị siết lại đối với nhà đầu tư cá nhân, kênh đầu tư vàng đang chựng lại… là các nguyên nhân chính.
Kỳ vọng dòng tiền sẵn sàng quay lại thị trường
Dòng tiền lớn có thể sẵn sàng quay lại thị trường khi những yếu tố như dịch bệnh giảm bớt, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 đẩy mạnh hoặc khi VN-Index về mức điểm hấp dẫn dưới 1.200 điểm- Tiến sĩ Hiếu đánh giá.
Thống kê từ các CTCK cũng cho thấy, đến cuối quý II/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21.000 tỷ đồng so với quý trước và đây cũng là con số kỷ lục trong lịch sử. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân.
Động lực giúp TTCK sẽ tích cực hơn trong thời gian tới là chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng, ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ DN, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho TTCK. Bên cạnh đó, hiện giá cổ phiếu đã giảm khá sâu và trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, TTCK vẫn tích cực và là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà nhà đầu tư trung và dài hạn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần chú ý danh mục cơ cấu theo hướng nắm giữ các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi hoặc không bị ảnh hưởng nhiều (so với các ngành khác) từ dịch bệnh như công nghệ thông tin, xuất khẩu (đá, gạch), cảng biển, hóa chất, dầu khí, phân bón… Hay những nhóm ngành đã có mức điều chỉnh đủ sâu, khi thị trường cho thấy những tín hiệu đảo chiều cũng có thể cân nhắc mua như đầu tư cơ sở hạ tầng, thép, bất động sản thương mại, bất động sản khu công nghiệp.