Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS

P. Ngọc - 10:34, 15/10/2021

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về đề xuất Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) với 10 ngành, nghề trọng điểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thí điểm 10 ngành, nghề với 4000 học sinh

Theo dự thảo, tổ chức triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ với khoảng 400 học sinh/ngành nghề. Tổng số người tham dự khoảng 4.000 người.

Đề án dự kiến thực hiện thí điểm đối với 10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS, gồm: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch và diễn viên múa.

Mục tiêu của mô hình thí điểm là đào tạo trình độ cao đẳng với đầu vào là học sinh sau tốt nghiệp THCS đòi hỏi người học phải có kiến thức văn hóa phổ thông; có năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng; giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Theo dự thảo, cấu trúc và nội dung của mô hình được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, thời gian đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp. Nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các môn học thuộc khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông; nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

Giai đoạn 2, thời gian đào tạo 1 năm. Nội dung đào tạo chính bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp. Nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông là toàn bộ Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Giai đoạn 3, thời gian đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng và nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông (chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng.

Kiến thức THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp

Đầu vào của chương trình là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có học lực từ loại trung bình khá trở lên để bảo đảm có đủ năng lực vừa học trình độ cao đẳng vừa học văn hóa trung học phổ thông.

Việc tổ chức đào tạo: Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian và được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình; khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo xu hướng tăng dần theo thời gian.

Kết thúc giai đoạn 1: Người học có thể tham gia thị trường lao động. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và nội dung khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu nếu người học có nhu cầu học tiếp chương trình;

Kết thúc giai đoạn 2: Người học có thể tham gia thị trường lao động và học tiếp để hoàn thành trình độ cao đẳng ở mô hình này hoặc liên thông lên trình độ cao đẳng ở các hình thức đào tạo khác. Nội dung khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu nếu người học có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Kết thúc giai đoạn 3: Người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng...

Tin cùng chuyên mục
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ người DTTS tại một số địa phương

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ người DTTS tại một số địa phương

Để tham mưu cho Chính phủ giải pháp sửa đổi chính sách phù hợp, sớm ban hành Đề án "Đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS trong các nhóm ngành Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đợt đi khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS tại một số địa phương.