Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Thế giới vượt mốc 110 triệu ca mắc COVID-19

PV - 09:33, 18/02/2021

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 18/2/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 110.394.838 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.438.825 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 369.005 ca mắc và 10.362 ca tử vong mới vì đại dịch.

Các khán giả được vào sân theo dõi những trận thi đấu cuối cùng của Giải Quần vợt Australia Mở rộng 2021 sau khi kết thúc lệnh phong tỏa kéo dài 5 ngày tại thành phố Melbourne. (Ảnh: AP)
Các khán giả được vào sân theo dõi những trận thi đấu cuối cùng của Giải Quần vợt Australia Mở rộng 2021 sau khi kết thúc lệnh phong tỏa kéo dài 5 ngày tại thành phố Melbourne. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 28.444.849 ca nhiễm COVID-19, trong đó 502.022 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (63.330 ca); Brazil (56.766 ca); Nga (12.828 ca); Anh (12.718 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (2.024 ca); Mexico (1.329 ca); Brazil (1.107 ca); Anh (738 ca); Đức (538 ca); Nga (467 ca)…

Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 32.594.308 người, với 778.426 ca tử vong. Hết ngày 17/2, châu lục này ghi nhận đã có thêm 141.805 ca nhiễm mới và 4.180 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.112.151 ca mắc COVID-19 và 81.446 ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong ngày tại Nga cũng đang có dấu hiệu giảm dần. Ngày 17/2, nước này ghi nhận 12.828 ca nhiễm mới và 467 ca tử vong mới.

Châu Á đã có tổng cộng 24.230.191 ca nhiễm và 388.137 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 67.459 ca mắc và 856 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 22.779.543 ca được điều trị khỏi; 1.062.511 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.216 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 17/2, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 12.440 ca mắc mới và 89 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 10.949.546 ca và 156.038 ca.

Tại ASEAN, khu vực này có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 14.074 ca mắc mới và 267 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.298.769 người mắc COVID-19, trong đó 49.711 ca tử vong.

Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận có thêm 9.687 ca mắc mới COVID-19 và 192 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.243.646 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 33.788 ca tử vong.

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 77.527 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 32.587.699 ca, tổng số người tử vong là 724.803 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 21.966.319 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.004.575 ca nhiễm và 175.986 ca tử vong.

Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 17.124.051 ca nhiễm; 446.468 ca tử vong và 15.521.048 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 9.978.747 ca nhiễm, trong đó 242.090 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 28.911 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Tại New Zealand, nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tóng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này là 2.340 người. Số ca tử vong tại New Zealand tính tới thời điểm này là 26 ca.

Các thành phố lớn của Australia và New Zealand ngày 17/2 đã dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hàng triệu người dân sau khi lệnh phong tỏa nhanh đã ngăn chặn thành công sự bùng phát lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giới chức Australia và New Zealand cho biết hành động nhanh chóng tại Melbourne và Auckland đã giúp kiềm chế sự lây lan biến thể mới tại Anh vốn được cho là có khả năng lây nhiễm rất cao.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 3.807.219 ca mắc COVID-19, trong đó 99.893 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.496.439 trường hợp, trong đó 48.478 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.320 ca mắc mới COVID-19 và 165 ca tử vong vì đại dịch. Khu vực Nam Phi chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tính về số ca nhiễm, tiếp đến là khu vực Bắc Phi.

Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Ngày 17/2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đạt một thỏa thuận mua thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) trong năm nay, tăng gần gấp đôi số liều vaccine mà EC đăng ký mua từ công ty công nghệ sinh học này của Mỹ cho năm 2021. Theo thỏa thuận, EU còn có thể lựa chọn mua thêm 150 triệu liều vaccine nữa của hãng Moderna cho năm 2022.

EC cho biết với thỏa thuận mới này, EU đã mua đủ 2,6 tỉ liều vaccine của 6 hãng sản xuất vaccine trong khi dân số của EU là 450 triệu người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận này giúp EU tiến gần tới mục tiêu chính là đảm bảo rằng toàn bộ người dân trong khối được tiếp cận càng sớm càng tốt với vaccine phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả./.