Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 29.988.459 ca nhiễm COVID-19, trong đó 545.324 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Brazil (80.047 ca); Mỹ (61.821 ca); Ấn Độ (27.505); Italy (26.824 ca); Pháp (25.229 ca); Ba Lan (18.775 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (14.941 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (2.152 ca); Mỹ (1.281 ca); Mexico (654 ca); Nga (486 ca); Italy (380 ca); Ba Lan (351 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 35.938.893 người, với 851.582 ca tử vong. Hết ngày 12/3, châu lục này ghi nhận đã có thêm 184.283 ca nhiễm mới và 3.254 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.370.617 ca mắc COVID-19 và 91.220 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 12/3, nước này có thêm 9.794 ca nhiễm mới và 486 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Ngày 12/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 và Italy sẽ đặt trong tình trạng phong tỏa trên cả nước dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 3-5/4). Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3 -6/4. Sắc lệnh bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại của người dân cũng như các quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc phân định vùng màu theo tỷ lệ lây nhiễm. Khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 250 trường hợp/100.000 dân trong một tuần sẽ chuyển sang vùng đỏ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Châu Á đã có tổng cộng 25.987.164 ca nhiễm và 408.378 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 96.704 ca mắc và 905 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 24.316.092 ca được điều trị khỏi; 1.262.694 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.541 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 12/3, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 27.505 ca mắc mới và 157 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 11.333.484 ca và 158.483 ca. Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới tại một số địa phương của quốc gia Nam Á này đã tăng cao trở lại, đặc biệt là tại một số bang gồm Maharashtra, Kerala, Punjab, Karnataka, Gujarat và Tamil Nadu. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại các bang này chiếm tới 85,6% tổng số ca mắc mới trên cả nước.
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 2,8 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 1,7 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,4 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 12/3 đã đạt tới mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây, hiện vẫn trên 400 ca trong 4 ngày liên tiếp, khiến nhà chức trách phải gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần. Bên cạnh đó, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ Anh cho đến ngày 1/4 nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể của virus SARS-CoV-2 xâm nhập Hàn Quốc.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 12.754 ca mắc mới và 270 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.575.757 người mắc COVID-19, trong đó 55.480 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khối này có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 11/3 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 6.412 ca mắc mới COVID-19 và 180 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 1.410.134 ca, bao gồm 38.229 ca tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 12/3 cho biết đã có thêm 4.578 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 611.618 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 12.694 ca. Nhà chức trách Philippines đã cảnh báo người dân không nên chủ quan và áp dụng giãn cách xã hội để tránh làm dịch bệnh lây lan.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 62 bệnh nhân mới trong ngày 12/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 1.225 ca mắc COVID-19.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 74.814 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34,450,216 ca, tổng số người tử vong là 788.124 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 25.730.228 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.151.028 ca nhiễm và 193.142 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 19.105.020 ca nhiễm; 493.844 ca tử vong và 17.124.464 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 11.368.316 ca nhiễm, trong đó 275.276 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia; New Zealand; Wallis and Futuna và New Celedonia là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 12 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.102 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. New Zealand, Wallis and Futuna và New Celedonia lần lượt ghi nhận thêm 1, 17 và 7 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.047.062 ca mắc COVID-19, trong đó 107.434 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.526.873 trường hợp, trong đó 51.179 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.225 ca mắc mới COVID-19 và 69 ca tử vong vì đại dịch.
Trong một diễn biến mới liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), sau khi phê chuẩn cho các vaccine do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca bào chế. Thông tin trên được đưa ra sau khi loại vaccine tiêm một liều duy nhất này được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép lưu hành hôm 11/3.
Khoảng 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của J&J đã được cam kết phân phối đến các cơ sở y tế và WHO hy vọng kế hoach này có thể được triển khai thông qua COVAX muộn nhất là từ tháng 7/2021./.